Khoa học & Đời sống

Lo ngại bất ổn xã hội hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Uber, Grab

Lo ngại bất ổn xã hội hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị dừng khẩn cấp Uber, Grab

Đề xuất trên được Hiệp hội Taxi Hà Nội đưa ra trong đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền mới đây.

Hiệp hội này cho rằng, với 44.000 xe hoạt động như taxi tại Hà Nội và 36.000 chiếc tại TP HCM, tổng lượng xe taxi và xe hoạt động như taxi dưới hình thức xe hợp đồng điện tử đã vượt xa so với quy hoạch.

“Cần dừng ngay việc gia tăng số lượng xe tham gia thí điểm, đồng thời Bộ Giao thông Vận tải phải ban hành ngay văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu cho số xe này, chứ không phải việc dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm”, văn bản của Hiệp hội nêu.

hiep-hoi-taxi-ha-noi-kien-nghi-dung-khn-cap-uber-grab

Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị dừng Uber, Grab

Trong đơn kiến nghị, Hiệp hội cũng “tố” loạt sai phạm của Uber, Grab khi hoạt động tại Việt Nam. Đơn cử, Grab vẫn duy trì dịch vụ đi chung xe (Grabshare) dù đã có chỉ đạo từ phía Bộ Giao thông vận tải. Hay dù thành phố Đà Nẵng đã có nhiều văn bản yêu cầu Grab, Uber dừng quảng cáo, hoạt động nhưng thực tế vẫn có vài nghìn xe loại hình này hoạt động tại đây…

Dẫn số liệu thu thập được, Hiệp hội này ước tính mỗi năm Uber, Grab đã chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài, bình quân mỗi ngày khoảng 10 tỷ đồng.

“Xuất phát từ việc không có dữ liệu chính xác về số lượng xe, số cuốc, doanh thu thật của Grab, Uber cũng như doanh thu của chủ xe có phương tiện hoạt động nên không biết được các đơn vị này đã chuyển bao nhiêu tiền ra khỏi Việt Nam, thất thu ngân sách bao nhiêu", văn bản nêu.

Cho rằng loại hình kinh doanh vận tải như Uber, Grab là kinh doanh có điều kiện, Hiệp hội này cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền phải quy định bắt buộc Uber, Grab thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.

Trước khi có quy định quản lý chính thức để quản loại hình kinh doanh này, cơ quan quản lý cần ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo... của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết. Sở Giao thông vận tải địa phương là nơi in, cấp phát logo nhận diện.

Hiệp hội này yêu cầu các công ty kiểu Uber và Grab vừa phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, vừa không trái với thông lệ quốc tế. Cụ thể đó là phải đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền Internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ Giao thông Vận tải. Định kỳ các Công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải nơi quản lý để phân tích dữ liệu tập trung.

Grab, Uber cũng phải chia sẻ toàn bộ dữ liệu số lượng xe, danh sách xe, dữ liệu giám sát hành trình, số giờ lái xe liên tục quá 4 tiếng, số lần vượt quá tốc độ, số cuốc thực hiện... cho các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngoài ra, một số điểm bất cập của Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải bằng ôtô cũng được Hiệp hội taxi Hà Nội đề nghị sửa đổi. Cụ thể, Nghị định cần bổ sung thêm quy định về phương thức tính tiền theo phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cho loại hình taxi. Với xe dưới 9 chỗ dùng phần mềm kết nối và tính cước thông qua phần mềm ứng dụng đặt xe qua mạng cần phải gọi tên đúng theo bản chất hoạt động là "taxi đặt xe qua mạng" để thuận lợi trong quản lý.

Những tranh cãi quanh cuộc cạnh tranh giữa Uber, Grab và loại hình taxi truyền thống vẫn chưa dứt. Trong khi Uber, Grab đang mở rộng thị trường, tăng số lượng xe thì nhiều hãng taxi truyền thống đang phải vật lộn để cạnh tranh, tồn tại. Bị mất thị phần, lượng lớn nhân viên các hãng taxi như Mai Linh, Vinasun phải nghỉ việc. Nửa đầu năm 2017 đã có 6.000 lái xe Mai Linh thôi việc, Vinasun là 8.000 người... Các hãng truyền thống cũng đang tìm cách thay đổi phương thức vận hành, quản lý để "níu chân" người tiêu dùng. 

Theo Vnexpress.