Blog công nghệ

HKPhone: "Một cái nhìn phiến diện"

HKPhone:

Nếu xét một khía cạnh khác ngoài yếu tố thương mại, tiêu dùng thì trên quan điểm cá nhân, tôi thấy có nhiều điều “lạ”. Xin được nhắc lại, đây là cái nhìn chủ quan mà bản thân tôi muốn đưa đến độc giả, để độc giả có thêm một góc nhìn chứ không phải quy chụp, và cũng có thể là cái nhìn phiến diện.

Đầu tiên, bàn một chút về thương hiệu : “HKPhone” được mặc định là “Điện thoại Hồng Kông”, ít nhất thì LTT co.ltd (công ty xuất nhập khẩu Linh Trung Tín) cũng chưa bao giờ phủ nhận về cái “mặc định” này. Chúng ta luôn thận trọng với hàng “China” nhưng lại rất thông thoáng với hàng của Đài Loan (Taiwan) hay Hồng Kông (HongKong) vì trên danh nghĩa thì đây là 2 bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc nhưng là “đặc khu tự trị”, có trình độ phát triển cao hơn “Đại lục” rất nhiều và các sản phẩm của 2 “đặc khu” này trước nay luôn có chất lượng cao.

Thế HKPhone có phải được sản xuất ở Hồng Kông? Câu trả lời chính xác là “HK phone được sản xuất ở GẦN Hồng Kông”, nhà máy sản xuất, lắp ráp của HK phone là SHENZHEN WEIDEXIN Trade ở Thẩm Quyến, ngay cạnh biên giới Hồng Kông.

 Giấy chứng nhận,một trong những hình ảnh hiếm hoi đề cập tới nhà máy sản xuất HKPhone

 Vị trí của Thẩm Quyến (SHENZHEN) _vùng khoanh đỏ nằm ngay sát ranh giới của Hong Kong (có viền màu hồng nhạt)

Thêm một thông tin nữa, ở Hồng Kông không có thương hiệu HKPhone nào được đăng kí bảo hộ. Và nếu đọc kĩ hơn về sự kiện chuyển giao thương hiệu: “Thương hiệu smartphone giá rẻ HKPhone vừa về tay Tập đoàn Linh Trung Tín sau cuộc chuyển giao của hãng điện thoại này tại Hong Kong.”, tại sao không phải là “của Hồng Kông” mà là “tại Hồng Kông”? vì đơn giản, Hồng Kông chỉ là địa điểm giao dịch, và LTT đã khéo léo sử dụng cái tên “Hồng Kông” một cách vô cùng tinh quái. Đây là mánh khóe kinh doanh rất thông minh, đánh vào tâm lí “xính hàng Hồng Kông” của đa số người Việt (cũng như xính hàng Japan, USA, EU,… vậy).

Như đã đề cập, HKPhone đã trở thành thương hiệu điện thoại Việt Nam, nhưng liệu điều này có mấy ý nghĩa với người tiêu dùng hay chỉ là một mục đích Marketing?

 

Và sự thật trần trụi thì đây vẫn là điện thoại China 100% chứ không phải của Hồng Kông. “Đúng là điện thoại của Trung Quốc thì sao, người tiêu dùng vẫn có sản phẩm tốt với mức giá siêu rẻ là được.” sẽ là lời giải thích của rất nhiều người. Tôi thừa nhận sự đúng đắn của quan điểm này,nhưng tôi thấy nó chưa sâu. Trình độ tiêu dùng của người Việt ta còn rất hạn chế, nếu có thể đặt tên thì tôi sẽ gọi là “Tư duy giá cả thuần túy”. Người tiêu dùng Việt Nam bây giờ “sẽ thận trọng với hàng rẻ, nhưng hoàn toàn mù quáng trước hàng rất rẻ”, không giống với văn hóa tiêu dùng của người châu Âu : “không mua hàng tốt nhất, mà mua hàng ít tệ nhất”. LTT vận dụng triệt để chiến lược “ Giá rẻ nhất” và họ đã thành công rực rỡ về mặt doanh số. Yếu tố giá cả được thỏa mãn và chúng ta vui vẻ sử dụng máy. Nhưng đã bao giờ bạn tự đặt ra hai câu hỏi: “ Tại sao giá sản phẩm lại lí tưởng như thế?” & “Có nguy cơ nào từ thiết bị bạn sử dụng?” .

Về câu hỏi thứ nhất, HKPhone có câu trả lời tại đây: Tại sao HKPhone lại có giá rẻ?, nhưng thực chất bài chỉ có tính tham khảo và Marketing hơn là một lời gải thích thuyết phục. Chất lượng phần cứng của HKPhone không tốt bằng các thương hiệu lớn, đó là điều hiển nhiên, nhưng nếu so với giá cả thì chất lượng phần cứng còn trên cả mong đợi. Nếu giải thích theo cách sau thì cũng quá là giọng GATO vì mọi thứ cũng mới chỉ dừng ở mức dự đoán, chi phí thực tế thì chỉ nhà sản xuất mới nắm được, nhưng chắc chắn mọi nhà sản xuất đều muốn đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thấp nhất.

 Thống kê giá các linh kiện để sản xuất và chi phí lắp ráp của HKPhone 4S-Retinapro

Thực sự thì cá nhân tôi rất dị ứng với những bài ăn theo kiểu: “giá linh kiện thực tế và chi phí lắp ráp…”. Theo tôi,chất lượng phần cứng của HKPhone thực sư rất tốt ,nếu không xét theo kiểu căn ke từng li của “dân công nghệ” mà chỉ dùng như 75% những người sử dụng thì “không biết đến khi nào mới hỏng”. Muốn kiểm chứng điều này bạn cứ hỏi 5 khách hàng bất kì của HKPhone bạn sẽ thấy mức độ hài lòng. Bản thân tôi cũng đã được tiếp xúc với mainboard của 3 mẫu máy HKPhone và thấy rằng chất lượng mainboard này nếu chỉ để sử dụng tác vụ thông thường hoặc chỉ để chơi game free ở trên Play store thì quá mượt mà và bền.

Nhìn bề ngoài main khá “đẹp” nhưng một vấn đề là chất liệu phần cứng ở đây là gì? Chúng ta chẳng lạ lẫm gì với việc một số sảm phẩm của Trung Quốc chứa hóa chất độc hại (thậm chí cả đồ chơi trẻ em). Vậy liệu HKPhone có hoàn toàn an toàn với sức khỏe của bạn? Có thể các bạn sẽ cho tôi là quan trọng hóa vấn đề, nhưng thử nghĩ lại một thiết bị gắn bó với bạn ít nhất 8h/ngày nếu có chứa chất độc hại thì sao?

Đây là vấn đề có cơ sở tại vì HKPhone chỉ lưu hành rộng rãi ở Việt Nam, trong khi các cơ quan kiểm định của nước ta thì còn nhiều hạn chế, trong các bài giới thiệu của HKPhone cũng chỉ tập trung giới thiệu về giá cả và tính năng chứ không nói về các tiêu chuẩn. Các bạn có nhìn thấy những biểu tượng lạ ở mặt sau dưới đáy của iPhone và các sản phẩm khác nhưng liệu bạn đã nhìn thấy những biểu tượng đó trên HKPhone?

Đó là những chứng nhận kiểm định chất lượng, hàng hóa muốn lưu thông ở các nước phát triển phải thỏa mãn những tiêu chuẩn này về chất lượng, môi trường,… nhưng còn máy của HKPhone thì chỉ có tên của thương hiệu được in một cách khá sơ sài.

 

 Biểu tượng của các chứng nhận mà IPhone đạt tiêu chuẩn

Còn gì nữa, HKPhone rẻ vì đó là sản phẩm copy. Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến rằng HKPhone là sản phẩm vi phạm bản quyền thiết kế hoàn toàn, nhưng Huawei và ZTE cũng làm thế, và cả những hãng kém tên tuổi hơn cũng làm thế, vậy tại sao giá của HKPhone lại chênh lệch quá lớn so với những sản phẩm tương đương lưu hành ngay ở trong nội địa Trung Quốc?

Đến đây, tôi có thể kết luận: giá của HKPhone thực sự rất rẻ, nhưng có được giá rẻ không phải do chi phí sản xuất thấp. Nói trắng ra thì HKPhone đang chịu lỗ (chứ không phải nhà phân phối LTT). Có thể chứng minh điều này cực kì đơn giản: Nếu cứ chấp nhận tính theo bảng giá linh kiện ở trên thì mỗi máy HKPhone bán ra đều có lãi đi. Nhưng các bạn lên nhớ đó là giá bán đã đến tay người tiêu dùng, là giá mà LTT niêm yết, còn giá “gốc” họ nhập thì như nào? Và thử suy nghĩ xem một nhà máy sản xuất có thể nuôi công nhân và trang trải chi phí với từng ấy lợi nhuận?

Bây giờ, việc chấp nhận bán dưới giá thành là việc rất bình thường trên thế giới : Amazon chấp nhận chịu lỗ khi bán Kindle Fire, Google chấp nhận chịu lỗ khi bán Nexus,… Điểm chung của những công ty này là họ là những công ty cung cấp và kinh doanh nội dung, dịch vụ, họ chấp nhận lỗ để bán sản phẩm nhưng bù lại họ có thể bán được nội dung. Nhưng còn HKPhone, họ không kinh doanh nội dung hay dịch vụ. Thế thì sao họ lại phân phối cho LTT với giá thấp để LTT cũng bán ra với giá thấp? 

  Mỗi thiết bị Kindle Fire bán ra, Amazon đều chịu lỗ

Dân ta vẫn nghèo cũng vì thế, không có gì để sản xuất, có sản xuất thì cũng chẳng cạnh tranh được với hàng Trung Quốc giá rẻ. Các công ti như Việt Tiến, Nhà Bè, Nhựa Song Long đang chật vật như nào? (VD: Bạn nào tìm hiểu về dệt may đều biết chi phí làm ra 1 chiếc áo không thể rẻ hơn giá của hàng Trung Quốc được, còn chi phí vận chuyển, rõ rang Trung Quốc “lỗ”, thêm vào đó, dây chuyền sản xuất đồ may mặc của ta không phải lạc hậu nếu không muốn nói là hiện đại.).  

Nhìn lại HKPhone, tôi cũng thấy mục tiêu như thế: Làm thị trường smartphone Việt Nam bị lệ thuộc. Nếu cái mục tiêu 70% người dân Việt sử dụng điện thoại HKPhone thì sẽ như nào? Nhưng lệ thuộc về smartphone thì có gì lo lắng, đâu phải cơm ăn, áo mặc, vả lại nước ta cũng đâu thể sản xuất smartphone mà lo lắng cho nền sản xuất nước nhà?

   Liệu HKPhone có chứa mã độc hay các chương trình giám sát?

 Bài viết của tôi không phải là một sự khẳng định, vì tôi không có đủ căn cứ để khẳng định, đó chỉ là một góc nhìn của tôi hay đúng hơn, đây chỉ là những thắc mắc và tôi rất hi vọng những hoài nghi của tôi sẽ được giải đáp trong thời gian tới. Mong là chúng ta sẽ vẫn có những sản phẩm tốt thực sự.

Đọc thêm:   Điện thoại thương hiệu Việt đã tự giết mình