Blog công nghệ

Điện thoại của chúng ta được sạc nhanh như thế nào? (P2)

Điện thoại của chúng ta được sạc nhanh như thế nào? (P2)

Ở phần thứ nhất của bài viết, chúng ta đã tìm hiểu về công nghệ sạc nhanh VOOC, một trong những công nghệ khá phổ biến và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía người sử dụng. Phần tiếp theo của bài viết sẽ được dành để nói về Quick Charger 2.0, một sản phẩm được phát triển bởi Qualcomm. Đây là công nghệ chuyên dành cho những sản phẩm sử dụng vi xử lý Snapdragon của nhà sản xuất chip di động hàng đầu thế giới hiện nay.

So với VOOC, Quick Charge 2.0 nổi tiếng và được biết đến rộng rãi hơn do sự phổ biến của công nghệ này. Trên thị trường điện thoại Android, rất nhiều nhà sản xuất quảng cáo các công nghệ sạc nhanh do chính mình phát triển. Tuy nhiên, đa phần trong số chúng đều được tạo thành với nền tảng là Quick Charge 2.0.

Như chúng ta đã biết, cường độ dòng điện và hiệu điện thế chính là 2 thông số cơ bản nhất của bất kỳ thiết bị sạc nào trên thế giới hiện nay. Công nghệ Quick Charge được Qualcomm phát triển để tối ưu 2 thông số này nhằm đem đến tốc độ sạc nhanh nhất.

Ở thế hệ sản phẩm đầu tiên, Quick Charge 1.0 của Qualcomm được thiết kế giúp tối ưu hóa công suất sạc tối đa đạt mức 10W (P = U x I = 2A x 5v). Với Quick Charge 2.0 hạn mức này được nâng trần lên 36W. Hãng cũng chia công nghệ mới này ra thành 2 class: A và B. Trong đó Class A là mức áp dụng cho smartphone, tablet và các thiết bị cầm tay khác.

​Đối với các thiết bị được trang bị Quick Charge 2.0 mức Class A, cường độ dòng tối đa có thể nạp vào là 3A, tương đương công suất 15W. Nhờ cường độ cao hơn, điện thoại của bạn có thể sạc nhanh hơn 1,5 lần so với các máy chỉ hỗ trợ dòng điện 2A. Các thiết bị hỗ trợ Class A cũng hoạt động với cả mức điện áp 5, 9 và 12 V, và do đó thu nạp được nhiều điện năng hơn.

Với Quick Charge 1.0, chỉ cần chip xử lý hỗ trợ công nghệ này có trên thiết bị hoặc trên củ sạc, việc sạc nhanh đã có thể triển khai. Tuy nhiên, với Quick Charge 2.0, công nghệ mới này đều hỏi yêu cầu phức tạp hơn đôi chút.

Để có thể sạc nhanh, Quick Charge 2.0 yêu cầu cả thiết bị lẫn củ sạc đều phải được tích hợp Quick Charge 2.0. Nếu thiếu một trong hai điều này, tùy vào từng loại thiết bị, việc sạc nhanh vẫn có thể diễn ra, tuy nhiên với một hiệu năng rất thấp.

Đơn cử như khi dùng củ sạc có tích hợp công nghệ Quick Charge 2.0 để sạc cho một thiết bị chỉ hỗ trợ Quick Charge 1.0, máy vẫn sẽ sạc nhanh hơn bình thường, nhưng chỉ nhanh hơn khoảng 40% thay vì mức chênh lệch 75% giữa 2 công nghệ.

Một củ sạc nhanh của Sony với ghi chú về công nghệ Quick Charge 2.0 của Qualcomm.

So với VOOC, Quick Charge 2.0 đang thắng thế hoàn toàn bởi mức độ phổ biến của nó. Thay vì chỉ dừng ở các sản phẩm của Oppo như VOOC, đối tượng tiêu thụ của Quick Charge 2.0 bao gồm tất cả những sản phẩm có sử dụng chip của Qualcomm. Mới chỉ xét đến tính tương quan về số lượng sản phẩm, đây rõ ràng đã là một sự chênh lệch rất lớn.

Các nhà sản xuất hiện nay luôn thêm phần giới thiệu các công nghệ sạc nhanh vào bài quảng cáo sản phẩm của mình. Thế nhưng tựu chung lại, dù là Tubor Charger của Motorola hay Rapid Charger của HTC, tất cả chúng đều tương thích với những gì mà Qualcomm đầu tư phát triển. Cụ thể hơn, chỉ cần thiết bị của bạn tích hợp sẵn Quick Charge 2.0 là nó đã có thể sử dụng các bộ sạc nhanh bán rời đến từ những nhà sản xuất khác.

Xét một cách tổng thể, Quick Charge 2.0 đang là công nghệ chủ đạo cho các thiết bị di động hiện nay. Với sự phổ biến của những dòng chip do Qualcomm sản xuất, việc Quick Charge 2.0 sẽ còn gia tăng tầm ảnh hưởng của mình trong thời gian tới đây là điều có thể dự đoán trước. 

 

Điện thoại của chúng ta được sạc nhanh như thế nào? (P1)

(Techz.vn) Bạn có từng nghe nói đến những chiếc điện thoại với tốc độ sạc lên tới 75% pin chỉ trong vòng 30 phút? Những điều đó liệu là sự thật hay chỉ là một chiêu trò nhằm tung hô sản phẩm của giới truyền thông? Tất cả sẽ được lý giải trong bài viết phía dưới.