Tư vấn

Điện thoại chống nước: Khóc dở mếu dở vì nỗi lo bảo hành

Điện thoại chống nước: Khóc dở mếu dở vì nỗi lo bảo hành

Điện thoại chống nước, hay đấy nhưng nhiều rủi ro

Mới đây một thành viên trên diễn đàn công nghệ Tinh Tế vừa chia sẻ câu chuyện dở khóc dở cười của mình liên quan đến chiếc Sony Xperia Z3 chống nước. Theo lời kể, anh này mua chiếc Xperia Z3 có nguồn gốc nhà mạng AU (Nhật Bản) tại cửa hàng D.H.M (Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh).

Lý do để anh này chọn mua chiếc Xperia Z3 một phần bởi khả năng chống nước của máy. Thế nhưng khi yêu cầu nhân viên tại đây cho tiến hành thử kiểm tra nhúng nước, vị khách hàng này chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối.

Vị khách hàng vẫn chấp nhận lấy máy dù không thực sự hài lòng về thái độ của nhân viên bán hàng. Sự việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như 4 tháng sau, chiếc Xperia Z3 của anh này bị lỗi màn hình không hiển thị dù vẫn có khả năng nghe gọi được.

Hoá đơn nhận hàng của vị khách hàng trong câu chuyện.

Sau khi liên hệ với cửa hàng nơi mua máy để tiến hành bảo hành sản phẩm, vị khách này mới té ngửa khi nhân viên bảo hành cho rằng, chiếc điện thoại của anh này bị rơi xuống nước. Có nhiều nước đọng trong điện thoại không thoát ra được nên ảnh hưởng đến máy. Do đó, cửa hàng chỉ nhận sửa chữa có tính phí chứ không đồng ý bảo hành miễn phí dù vẫn còn trong thời hạn bảo hành.

Chia sẻ trên diễn đàn, thành viên này cho biết anh chưa hề làm rơi máy xuống nước một lần nào nên không thể có chuyện máy bị vô nước như cách gỉai thích của cửa hàng. Hơn nữa, chiếc Xperia Z3 của anh mua về là một sản phẩm chống nước. Do đó kể cả khi máy có bị vào nước thật đi chăng nữa, chẳng có lý do gì mà máy của anh lại không được bảo hành.

Trước thái độ cứng rắn của cửa hàng, vị khách hàng này vẫn chấp nhận gửi máy tại đây để tiến hành nhờ cửa hàng sửa chữa hộ. Dù rằng sau đó anh này ra về trong tâm trạng bực bội và ấm ức.

Phải làm gì nếu chọn mua một chiếc điện thoại chống nước?

Câu chuyện trên cho thấy một thực tế khá vô lý tại Việt Nam khi người bán luôn lợi dụng vị thế của mình để tìm cách chèn ép khách hàng. Đặc biệt là khi có những vấn đề phát sinh trong quá trình hậu mãi.

Bởi vậy, một trong những điều kiện kiên quyết khi mua một chiếc điện thoại là phải tiến hành kiểm tra thật kỹ các tính năng cơ bản của máy (Cường độ tín hiệu, khả năng kết nối WiFi, con quay hồi chuyển, cảm biến ánh sáng…). Với những sản phẩm phẩm đặc thù như những chiếc điện thoại chống nước, bạn nhất định phải yêu cầu cửa hàng cho kiểm tra tính năng này. Trong trường hợp nhân viên cửa hàng không đồng ý, hãy đặt câu hỏi về chất lượng hàng hoá tại địa chỉ đó.

Bên cạnh đó, hãy hỏi thật kỹ về quy định bảo hành sản phẩm của cửa hàng xem có bảo hành với tính năng chống nước hay không. Đa phần trên những tờ phiếu bảo hành được in sẵn thường có dòng ghi chú không bảo hành khi sản phẩm bị vào nước.

Đây là quy định chung thường được áp dụng với đại đa số các mẫu máy được bán tại cửa hàng. Do đó, nếu là người cẩn thận, hãy yêu cầu bên bán ghi rõ dòng chữ có bảo hành chống nước vào trong phiếu mua hàng. Càng rõ ràng bao nhiêu, bạn sẽ càng tránh được các rắc rối phát sinh nếu chẳng may có vấn đề về bảo hành sản phẩm sau đó.

Bất kỳ cửa hàng nào cũng từng ít nhiều dính đến các sự cố liên quan đến sau bán hàng mà người dùng hay gọi là “dính phốt”. Do đó, vấn đề không phải nằm ở việc cửa hàng bạn mua đã từng dính phốt hay chưa. Bạn nên tìm đến những nơi có khả năng giải quyết hợp lý và thấu đáo nhất những “phốt” này khi trót dính vào. Thái độ cầu thị của cửa hàng khi thiết bị của bạn gặp sự cố mới là thước đo chuẩn xác nhất cho độ uy tín và giá trị thương hiệu của họ.

Chúc các bạn sở hữu được một sản phẩm ưng ý.

 

Làm thế nào để đăng ký đổi sang SIM 4G?

(Techz.vn) Bài viết này sẽ là câu trả lời cho câu hỏi tại sao phải đổi SIM 4G và làm thế nào để người dùng Việt Nam có thể đổi sang sử dụng SIM 4G.