Đánh giá sản phẩm

Đánh giá nhanh Android TV Box OEM mang tên Q9 - thiết kế đẹp, cấu hình thấp, giá rẻ

Đánh giá nhanh Android TV Box OEM mang tên Q9 - thiết kế đẹp, cấu hình thấp, giá rẻ

Dẫu biết rằng dòng SmartTV đã cải tiến nhiều, kèm theo mức giá ngày càng rẻ nhưng phần lớn tín đồ công nghệ vẫn thích sử dụng loại Android TV Box kết nối với TV phổ thông. Bởi lẽ, dòng Android TV Box hỗ trợ nhiều tính năng hơn, cho phép kết nối với nhiều dòng TV khác nhau trong nhà vào những lúc cần thiết, thậm chí dễ dàng đem đến sử dụng ở nhà bạn bè và người thân. Điều này, dòng SmartTV không thể nào đáp ứng được từ sự tiện dụng, linh hoạt cho đến tính năng, ngoài ưu điểm gọn gàng về kích thước.

Chiếc Q9 có thiết kế đẹp, cấu hình thấp và mức giá rẻ

Q9 là dạng sản phẩm OEM, tùy vào từng công ty đặt hàng sẽ có cách đặt tên khác nhau, giá bán khoảng 620.000 VNĐ đến 800.000 VNĐ. Đây là chiếc Android TV Box gần như thấp giá nhất hiện tại ở Việt Nam với thiết kế khá đẹp, cấu hình thấp và bị loại bỏ đi vài tính năng quan trọng của hệ điều hành Android.

Bên trong hộp sản phẩm bao gồm: chiếc Android TV Box Q9, remote hồng ngoại không đi kèm pin, dây cáp HDMI, dây RCA, dây nguồn và sách hướng dẫn sử dụng nhanh

Q9 có thiết kế hình chữ nhật khá đẹp, mặt trên in logo thương hiệu Android, vỏ ngoài sơn màu vàng đồng thiết kế theo vát cạnh kim cương, dẫu chỉ là giả kim loại nhưng nhìn khá sang trọng. Cạnh sau Q9 bố trí cặp an-ten râu giúp cho thiết bị nhận sóng WiFi tốt hơn. Nhìn chung, Q9 bước đầu đã đem lại thiện cảm cho người dùng từ kiểu dáng bên ngoài của sản phẩm.

Mặt trước Q9 bố trí cổng thu tín hiệu hồng ngoại và đèn LED thông báo trạng thái, tín hiệu

Cạnh trái Q9 bố trí công tắc nguồn giống với thiết bị điện tử hơn thay vì kiểu nút bấm tương tự dòng Adnroid TV Box và những sản phẩm công nghệ thông minh khác

Cạnh sau Q9 bố trí cổng RCA (AV), 2 USB 2.0, mạng LAN, HDMI, nguồn 5V và 2 an-ten WiFi

Cạnh đáy Q9 bố trí nhiều khe thoát nhiệt được dàn trải sang 2 bên

Xét về cấu hình, Q9 trang bị bộ vi xử lý lõi tứ Rockchip 3128 xung nhịp 1.3 GHz, phiên bản nâng cấp nhỏ so với dòng 3126 và bộ nhớ trong 8 GB. Dựa theo thông số từ CPU-Z cùng với Antutu Benchmark, mẫu sản phẩm này chỉ sở hữu RAM 512 MB – nghĩa là 0.5 GB, bằng một nửa so với thông số 1 GB từ nhà sản xuất và doanh nghiệp bán hàng đã thông tin đến khách hàng. Bên cạnh đó, Q9 là một trong những sản phẩm rất “hiếm hoi” khi không tích hợp khe cắm thẻ nhớ, khá bất tiện cho người dùng.

Trải nghiệm thực tế, Q9 trích xuất hình ảnh lên TV chưa thật sự tốt như dòng cao cấp, điều này đã được kiểm chứng, thử nghiệm bởi 2 dòng TV với độ phân giải Full HD và 3 chiếc Android TV Box. Điều này càng thêm phần chính xác hơn khi thông tin từ CPU-Z cho biết, màn hình chỉ trích xuất với độ phân giải tối đa 1280 x 720 pixel, không phải 1920 x 1080 pixel dẫu cho người dùng thiết lập độ phân giải Full HD cho việc trích xuất hình ảnh lên TV.

Dẫu cài đặt độ phân giải Full HD, Q9 vẫn hiển thị ảnh chưa được rõ nét như dòng cao cấp

Có lẽ cũng vì thế, Q9 chỉ hỗ trợ độ phân giải tối đa 720p trên Youtube, không có tùy chọn tăng lên chuẩn 1080p. Tất nhiên, thiết bị vẫn đủ khả năng phát, trình chiếu những tập tin video ở độ phân giải Full HD mượt mà, nhưng sẽ khó đem lại chất lượng ảnh đẹp nếu màn hình chỉ hỗ trợ mức 1280 x 720 pixel. Có vẻ như, đây là căn bệnh chung của vài dòng Android Box TV bán ra với mức giá dưới 700.000 VNĐ, không chỉ có mỗi Q9.

Youtube trên Q9 không hỗ trợ video độ phân giải 1080p

Có vẻ như RAM chỉ có dung lượng tối đa 512 MB, Q9 đã bị loại bỏ đi thanh trung tâm thông báo trạng thái cùng với dải phím điều hướng ảo vốn rất quan trọng đối với hệ điều hành Android, nhằm giảm tối đa gánh nặng cho phần cứng, đặc biệt về bộ nhớ RAM. Điều này đem lại sự bất tiện rất nhiều cho người dùng khi chế độ đa nhiệm thực sự hoạt động đúng nghĩa, chưa đạt sự yêu cầu tối thiểu của một sản phẩm chạy đa nhiệm của nền tảng Android. Ngay cả đến vấn đề tăng, giảm âm lượng trên Q9, người dùng buộc phải sử dụng remote để điều khiển những tính năng hết sức cơ bản.

Q9 hoạt động khá ổn trong tầm giá đối với những tác vụ cơ bản nhất theo dạng mở riêng lẻ từng ứng dụng như lướt web, xem Youtube, trình giải trí chuyên nghiệp KODI. Khi sử dụng thực tế cho đa tác vụ khác nhau, RAM Q9 thường chỉ trống khoảng 10% đến 25%, rất thấp so với với phần lớn dòng Android TV box hiện nay. Chính vì vậy, Q9 thỉnh thoảng vẫn bị lag, có độ trễ nhất định đối với ứng dụng đòi hỏi cấu hình cao, hiện tượng giựt nhẹ khi sử dụng khoảng hơn 1 tiếng, thậm chí bị khởi động lại do tình trạng RAM bị “ngộp” vì không đủ dung lượng đáp ứng.

Dựa vào thông số CPU-Z cung cấp, Q9 chỉ hỗ trợ độ phân giải tối đa 1280 x 720 pixel, RAM 512 MB với dung lượng khả dụng khoảng 28% khá thấp

Nhìn chung, Q9 chỉ hoạt động tốt, “ngon” hơn hẳn so với những thiết bị giải trí cơ bản như Setop box tại gia nhờ chạy hệ điều hành Android, yếu kém hơn hẳn so với phần lớn thiết bị Android TV Box khác vì đã bị loại bỏ đi 2 tính năng quan trọng nhất của hệ điều hành Android. Đó chính là thanh thông báo trạng thái và dải phím điều hướng ảo, chưa kể RAM dung lượng thấp làm ảnh hưởng đến độ ổn định của hệ thống. Bên cạnh đó, Q9 thiếu khe cắm thẻ nhớ cũng là một nhược điểm cần phải quan tâm, khi bộ nhớ trong dừng ở mức 8 GB, buộc phải dùng ổ USB để thay thế khi nhu cầu sử dụng cao. Xét về ưu điểm, Q9 có giá rẻ, thiết kế đẹp, hỗ trợ cổng RCA (AV), phù hợp với dòng TV kích thước 32 inch trở xuống với độ phân giải HD.

 

Android TV nở rộ vào thời điểm sắp đến Tết

(Techz.vn) Thời gian vừa qua, các nhà sản xuất thiết bị điện tử đã bắt đầu bổ sung hệ điều hành Android lên dòng TV, mang đến cho người dùng nhiều tiện ích, tùy biến cao hơn, cạnh tranh trực tiếp với dòng TV thông thường và Android Box.