Phần cứng máy tinh

Đánh giá MSI Vortex G65: Gaming PC Mini "siêu khủng" giá 90 triệu đồng

Đánh giá MSI Vortex G65: Gaming PC Mini

Kể từ thời điểm Mac Pro được Apple giới thiệu, thế giới đã phải ngạc nhiên với một cỗ máy nhỏ gọn nhưng sở hữu sức mạnh mà hầu hết các cỗ PC phải thèm muốn. Khác với Apple, MSI giới thiệu Vortex với thiết kế hình trụ nhưng nhắm đến đối tượng là game thủ muốn sở hữu một giải pháp nhỏ gọn, tiết kiệm không gian và đôi khi bao gồm cả kính di động.

Xu hướng PC Mini không mới nhưng một cỗ máy như Vortex G65 lại là của hiếm trên thị trường. Hiếm vì thiết kế không giống ai, hầm hố, đẹp mắt với dải led thiết kế cực “dị” và cũng hiếm vì mức giá bản cao nhất có thể lên tới 90 triệu. Con số mà những gamer chịu chơi mới có thể bỏ ra để thỏa niềm mong ước với các thể loại game hardcore nhất. Đấy chính là điều MSI muốn hướng đến, bên cạnh đó, Vortex còn cho thấy sức mạnh cũng như sự sáng tạo trong khâu sản xuất của sản phẩm này.

MSI Vortex mạnh mẽ đến cỡ nào, thiết kế, sắp xếp linh kiện ra làm sao? Câu trả lời sẽ có ở từng phần dưới đây.

Thiết kế

MSI đã gói gọn tất cả các linh kiện bao gồm bo mạch chủ, vi xử lý, 2 card đồ họa, 1 SSD PCIe, 1 ổ HDD 1TB, 4 thanh RAM vào một khối trụ có thể tích 6.5 lít. Ban đầu, nếu xét theo các quy chuẩn bo mạch chủ dành cho máy bàn hiện nay thì có lẽ đây là điều không thể, tuy nhiên, MSI đã thiết kế lại từng phần sao cho phù hợp nhất.

Đầu tiên, hãng sẽ sử dụng bo mạch dạng module, kết nối từng phần với một nền tảng kết nối chính đặt ở phía dưới. Có ba module dưới dạng bảng mạch bao gồm 2 kết nối cho card đồ họa Nvidia GTX 980 bản desktop, 1 bảng mạch chứa CPU và RAM, bo mạch chính phía dưới cùng sẽ là nơi đặt chipset và pin CMOS. Đó là sơ qua những linh kiện có thể nhìn thấy khi tháo lớp vỏ ở hai bên.

Ở phía bên ngoài, Vortex được thiết kế đối xứng vừa vặn với dạng hình trụ quen thuộc. Phần lớn vỏ ngoài được làm bằng nhựa để tối ưu trọng lượng của thiết bị cũng như dễ dàng tháo lắp trong quá trình nâng cấp máy. Những phần gia cố khung, đế vẫn có những chi tiết bằng kim loại để tạo độ chắc chắn.

Khác với Mac Pro, MSI Vortex có bộ vỏ được làm sần ít bán vân tay hơn, đồng thời cũng được điểm xuyết bằng các chi tiết cắt gọn gàng, bất đối xứng, đẹp hơn so với cách thiết kế hình trụ cơ bản trên sản phẩm của Apple. Bên cạnh đó, dài đèn LED dường như được đặt rất ngẫu hứng tạo nên một sản phẩm nổi bật trong đêm. Dải đèn LED này sở hữu khả năng hiển thị lên tới 16,8 triệu màu có thể được điều khiển thông qua phần mềm MSI Dragon Center. Có sẵn 4 hiệu ứng cho người dùng lựa chọn là Normal, Breathing, Rainbow, Flashing, mặc định sẽ là chế độ Rainbow hiển thị 7 sắc cầu vồng bắt mắt.

Ở phía dưới là máy được thiết kế khá gọn với cổng nguồn được đặt sâu xuống phía dưới, sát với bề mặt đề thiết bị, đế hình móng ngựa đi kèm ba miếng cao su nhằm tạo độ bám cùng với đó là một khoảng cách vừa đủ để không khí lưu thông khi tản nhiệt. Một thiết kế rất thông minh và phù hợp cho thiết bị nhỏ gọn như MSI Vortex, phần cơ chế tản nhiệt sẽ được phân tích ở những phần sau.

Phía trên đỉnh máy bao gồm một dài đèn LED, ba tấm lưới tản nhiệt bằng kim loại lớn ngay phía dưới là quạt với công suất tản cực lớn và đây cũng là chiếc quạt duy nhất của máy

Hai bên hông có thể tháo rơi để thay thế, nâng cấp linh kiện bên trong, phía đằng sau có hai dải đèn led. Vào ban đêm, hai dải chiều vào tường phát sáng rất đẹp mắt

Mặt trước nổi bật với logo MSI quen thuộc

Phần đế được đẩy cao tạo khoảng không để hút lấy không khí phục vụ cho tản, đồng thời phần nguồn kết nối được đẩy xuống sâu phía dưới

Phần đế dạng móng ngựa với ba miếng cao su chống trơn trượt tối đa, phần lồi lên ở giữa chính là jack cắm nguồn

Các lưới chống bụi lọc không khí

Thiết kế tổng quan rất bắt mắt của MSI Vortex, hầm hố nhưng đủ sự tinh tế, nhẹ nhàng, nhỏ gọn

Phía bên trên logo MSI là biểu tượng rồng tượng trưng cho MSI được đặt đằng sau tấm lưới kim loại. Đây là phần để trang trí mà thôi

MSI Vortex có đầy đủ gần như các cổng ăn chơi hiện nay bao gồm SPDIF, jack cắm tai nghe, mic, 4 cổng USB 3.0, 2 HDMI, 2 RJ45, 2 USB Type-C, 2 mini DisplayPort

Cách lắp đặt MSI Vortex tương đối dễ dàng

Giải đèn LED có thể tùy chỉnh thông qua tool MSI Dragon Center

Trải nghiệm cấu hình

MSI Vortex được cung cấp với hai phiên bản khác nhau bản cao nhất sử dụng card đồ họa Nvidia GTX 980 SLI, 32GB RAM (đây cũng là bản được thử nghiệm trong bài viết này) và bản còn lại với giá thấp hơn sử dụng Nvidia GTX 960 SLI, 16GB RAM (giá bán của phiên bản này tại Việt Nam là 57 triệu đồng).

Video trực tiếp "mổ bụng" MSI Vortex G65 6QF

Các chi tiết kỹ thuật khác bao gồm vi xử lý Intel Core i7 – 6700K, hai ổ SSD 128GB PCIe, giao thức NVME chạy Raid 0 cùng với đó là một ổ 1TB 2.5” tốc độ 7200 vòng/phút để có một không gian lưu trữ dữ liệu rộng rãi hơn.

Về kết nối, Vortex có rất nhiều thứ để cung cấp, một kết nối không dây chuẩn 802.11 AC, Bluetooth 4.1 và hai cổng Gigabit LAN, có tới 6 cổng có thể xuất video (về lý thuyết, sức mạnh của GTX 980 SLI có thể đáp ứng một lúc 6 màn hình 2K) và 4 cổng USB 3.0. Trong 6 cổng có thể xuất video có 2 cổng USB 3.1 Type-C gen 2 có hỗ trợ Thunderbolt. Đầu ra âm thanh chất lượng cao được đảm bảo bởi Nahimic Audio Enhancer.

Đó là những thông số kỹ thuật mà một cỗ máy nhỏ gọn có giá lên tới 90 triệu đồng có thể đáp ứng. Nếu xét khía cạnh lắp đặt PC, đó không hẳn đã là một món hời nhưng cái cách mà MSI tạo nên sản phẩm cùng rất nhiều công nghệ độc quyền khiến Vortex trở nên đặc biệt. MSI có lượng fan là game thủ rất lớn, Vortex là niềm khao khát của họ và hiệu năng của chiếc máy này sẽ làm thỏa mãn tất cả các nhu cầu từ game cho đến giải trí với màn hình 4K cỡ lớn trong một thân hình mảnh mai. MSI Vortex là sự thay thế xứng đáng cho những cỗ PC cồng kềnh, tiết kiệm không gian dành cho game thủ.

Xét về mặt hiệu năng, MSI Vortex có thể gánh bất kỳ một tựa game nào ở hiện tại một cách dễ dàng dù ở mức Full HD hay 2560x1440, thậm chí là 4K với các thiết lập tương xứng, thế nhưng, nhà sản xuất lại muốn nhắm đến giải trí VR tốt nhất dành cho người dùng. Một số thử nghiệm nhanh với tựa game được coi là nặng nề bậc nhất hiện nay như GTA 5, thiết lập cao nhất ở độ phân giải Full HD cho tốc độ khung hình lên tới hơn 110 fps, một con số rất lớn.

Hiệu năng tổng thể của Vortex được xây dựng từ vi xử lý dòng K có thể OC, GTX 980 SLI phiên bản đầy đủ và một hệ thống Raid SSD cực nhanh. Thử nghiệm khả năng đọc ghi của ổ cứng khởi động, tốc độ đọc lên tới hơn 3000MB/s khi dung lượng đã chứa hơn 50%, tốc độ ghi đạt 1360MB/s. Ổ lưu trữ cũng đem lại tốc độ đọc trung bình đạt 130MB/s. Tốc độ khởi động của MSI Vortex cũng rất nhanh, gần như ngay tức khắc sau khi bạn ấn nút nguồn.

Dưới đây là một số thử nghiệm khi sử dụng MSI Vortex G65 6QF

Điểm số dành cho Fire Strike Ultra nhằm đo đạc hiệu năng khi sử dụng độ phân giải 4K đạt hơn 5300, một số điểm cực cao cho hệ thống cỡ nhỏ như MSI Vortex.

Như đã nói ở phần trên, việc chơi game với một màn hình đơn ở mức 2K hay Full HD không có quá nhiều khó khăn. Người viết không có màn 4K để thực hiện bài test này, tuy nhiên, việc chơi game ở độ phân giải cao 4K là điều hiếm khi thấy ở thị trường hiện nay. Giải trí với các nội dung media dường như khả thi hơn, đồng thời, đa phần game thủ tại Việt Nam đều lựa chọn màn Full HD, vừa rẻ lại vừa không phải đầu tư nhiều vào thùng máy.

Ngoài ra, việc thử nghiệm toàn bộ hệ thống thông qua PCMark 7 và PC Mark Vantage cho điểm số ấn tượng lần lượt là hơn 7156 và 27562.

Nhiệt độ và độ ồn

Trước khi đánh giá về nhiệt độ, chúng ta cùng điểm qua hệ thống tản nhiệt của Vortex. Theo đó, MSI chỉ sử dụng một chiếc quạt dạng tuabin nhằm hút gió từ phía thoáng bên dưới lên. Luồng không khí sẽ từ phía dưới mang theo hơi nóng tỏa ra từ các thành phần tản trên card đồ họa, ổ cứng, RAM hay CPU đẩy lên phía trên. Đây là lý do tại sao nhà sản xuất để phần đế rất cao so với bề mặt đặt Vortex. Để làm việc này, công suất làm việc của quạt phải rất lớn, đồng thời đồ ồn sẽ tăng cao. Song, thật ấn tượng khi độ ồn của Vortex nằm ở mức tối thiểu, phải ở gần bạn mới có thể nghe thấy tiếng quạt. Ngay cả khi chơi game, thiết bị cũng không gây khó chịu cho người dùng.

MSI ghi điểm ở hai phần, tối ưu độ ồn và một phương án đối lưu thông vô cùng thông minh. Vậy còn nhiệt độ thì sao?

Nhiệt độ luôn là nỗi ám ảnh với bất kỳ thiết bị nào, đặc biệt là với thể tích nhỏ gọn cỡ Vortex. Thử nghiệm ở mức độ thông thường, gần như không sử dụng, máy chỉ khởi động để không, nhiệt độ CPU là 41 độ C, GPU là 51 độ C. Khi chơi game nặng, nhiệt độ ở CPU ở mức cao nhất là 81 độ C, GPU là 82 độ C và phần lớn thời gian ổn định ở mức 74-76 độ C. Những kết quả không thể ấn tượng hơn, vượt qua kỳ vọng của người viết.

Trên đây là những thử nghiệm chơi game nặng còn với các tựa game online, mức độ nhiệt sẽ thấp hơn đáng kể.

Thay cho lời kết

MSI Vortex G65 sẽ là một món quà gần như hoàn hảo dành cho game thủ. "Gần như hoàn hảo" bởi mức giá của nó không hề dễ chịu, gần 90 triệu cho phiên bản cao nhất, trải nghiệm ấn tượng nhất và 57 triệu cho phiên bản chạy GTX 960 SLI, 16GB RAM. Với một khoản ngân sách như vậy, bạn hoàn toàn có thể sở hữu những bộ PC vừa mạnh, vừa độc đáo, thế nhưng đổi lại là sự cồng kềnh, chiếm trọn không gian giải trí.

Vortex cũng nhắm đến đối tượng người dùng là game thủ nhưng yêu thích sự nhỏ gọn, gạt bỏ sự rối rắm, phức tạp khi phân tích, lên cấu hình cho một bộ máy tính chơi game. Bên cạnh đó, sản phẩm của MSI hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe nhất hiện nay với một hệ thống làm mát ấn tượng, các công nghệ cao đi kèm và thiết kế bắt mắt.

 

Cận cảnh các mẫu gaming laptop của MSI tại Computex 2016

(Techz.vn) Tại Computex 2016, MSI đã giới thiệu một loạt các mẫu laptop mới với cấu hình được nâng cấp cùng với đó là khả năng hỗ trợ công nghệ thực tế ảo.