Điện thoại

Đánh giá Lenovo Zuk Z1: Chiếc smartphone đáng sở hữu tầm giá dưới 5 triệu đồng

Đánh giá Lenovo Zuk Z1: Chiếc smartphone đáng sở hữu tầm giá dưới 5 triệu đồng

Lenovo Zuk Z1 có một chặng đường rất dài từ Dubai cho đến hiện tại là Việt Nam. Zuk là một thương hiệu thuộc Lenovo và chiếc smartphone với tên gọi Zuk Mobile đã được trình làng. Mức giá ban đầu của Zuk Mobile là 350 USD, sau đó đã được điều chỉnh mạnh mẽ và khi cập bến Việt Nam thông qua kênh phân phối của Lazada với tên gọi Zuk Z1 đi kèm giá bán 7,99 triệu đồng. Nếu xét ở thời điểm tháng 9 năm ngoái, đây không thực sự là mức giá quá “hời” dành cho mẫu smartphone trung của Lenovo cho dù những trải nghiệm mà thiết bị này mang lại có thể nói là rất tốt. Doanh số chậm chạp là một minh chứng rõ rệt. Vậy sự xuất hiện trở lại của Zuk Z1 có gì đặc biệt?

Câu trả lời vẫn nằm ở mức giá, giảm tới 3 triệu đồng so với thời điểm trước, Zuk Z1 là chiếc smartphone đáng sở hữu nhất dưới 5 triệu đồng, cho dù ở phân khúc này, sản phẩm của Lenovo phải đối mặt với rất nhiều đối thủ sừng sỏ như gia đình ZenFone của ASUS,  Oppo Mirror 5, Xperia M4 Aqua, Lumia 640XL… thậm chí là các sản phẩm xách tay của Xiaomi. Khác với các sản phẩm được ấn định ở mức giá rẻ, Lenovo Zuk Z1 là một sản phẩm đánh mạnh vào phân khúc tầm trung và cận cao cấp, cấu hình của máy rất cao, sau đó được điều chỉnh giá bán. Bởi vậy, có thể khẳng định, trải nghiệm mà sản phẩm này mang lại sẽ vượt trội hơn so với phần nhiều các mẫu smartphone dưới 5 triệu. Những đánh giá dưới đây sẽ phần nào cho thấy điều đó.

Thiết kế

Trước đây, chúng tôi cũng đã đề cập đến mẫu Zuk Z1 phiên bản màu trắng, tuy nhiên đây là phiên bản xách tay và cách đóng hộp cũng rất khác so với hàng chính hãng FPT phân phối. Hộp được làm bằng khổ vuông, rộng rãi và sang trọng hơn rất nhiều. Phiên bản mà Techz trên tay sở hữu màu xám (tương tự như xám không gian trên iPhone 6 hay 6S), mặt lưng làm bằng nhựa nhám, cho cảm giác cầm chắc chắn hơn so với bản màu trắng được làm trơn. Bên cạnh đó, mặt lưng bản màu xám cũng đỡ bám vân tay hơn, sang trọng và trông đỡ “nhựa” hơn hẳn. Sẽ tuyệt vời hơn khi Lenovo bổ sung chất liệu kim loại vào mặt lưng, tạo nên một khối đồng nhất đẹp mắt. Tuy nhiên, hãng có lý khi chỉ đem tới một chất liệu nhựa, bao quanh là viền kim loại nhám tương tự như iPhone.

Mặt lưng được làm bằng nhựa nhám, bo cong đem lại cảm giác cầm tốt hơn

Phần cạnh viền giống với iPhone 6, iPhone 6 Plus

Việc sử dụng mặt lưng bằng nhựa sẽ giúp nhà sản xuất giảm giá thành và tối ưu trọng lượng cho thiết bị. Thực tế, mặt lưng của Zuk Z1 được hoàn thiệt rất tốt, hạn chế tối đa hiện tượng ọp ẹp, mang tới một sản phẩm chắc chắn, dễ cầm nắm, mỏng và không quá nặng. Các cạnh bên được thiết kế bo tròn mềm mại bằng chất liệu nhôm kim loại với những lát cắt kim cương sắc sảo, sang trọng. Nếu không để ý kỹ, nhiều người sẽ nhầm lẫn phần viền này với iPhone 6 Plus khi kích thước của hai máy là tương đồng.

Phần lớn diện tích mặt trước dành cho màn hình với độ dài đường chéo 5,5 inches, phía dưới là nút Home cùng 2 phím cảm ứng. Lenovo chỉ cho phép hiển thị hai phím cảm ứng này dưới dạng đốm sáng, bên phải là phím back và bên trái là phím đa nhiệm. Nút Home vật lý khá lớn do tích hợp cảm biến vân tay. Điểm trừ trong thiết kế của Zuk Z1 chính là việc nút Home khá cứng và khó bấm nhưng bù lại, máy sẽ có một mặt trước đẹp mắt hơn nếu xét về tổng thể.

Viền vát kim cương sang trọng

Điểm trừ thứ hai đó là phần viền dưới của máaacute;y rất dày, không rõ nguyên nhân vì sao Lenovo lại làm như vậy. Có một lượng diện tích thừa khá lớn tính từ phía trên phím Home cho đến viền màn hình. Đây có vẻ như là do việc thiếu đồng bộ trong thiết kế mainboard, pin và màn hình của Zuk Z1. Nhìn chung, Zuk Z1 sở hữu nhiều nét hài hòa trong thiết kế, chất lượng hoàn thiện tốt, tạo được sự liền mạch giữa các chi tiết nhựa và khung viền kim loại, chắc chắn và vừa tay.

Logo Zuk, một thương hiệu từ Lenovo

Phía trên mặt lưng là cụm camera chính 13MP cùng đèn flash LED kép

Cạnh dưới là cổng USB Type C, loa ngoài và mic thoại. Thiết kế phần này không khác gì một chiếc iPhone

Cạnh trái là khe cắm SIM, hỗ trợ 2-SIM và không bao gồm thẻ microSD

Tất cả các phím cứng được đặt tại cạnh phải

Zuk Z1 sở hữu màn hình 5.5 inches, độ phân giải Full HD

Phím Home cứng được tích hợp cảm biến vân tay, bên cạnh là hai phím đa nhiệm, phím back cảm ứng dưới dạng chấm sáng

Phía trên màn hình là camera selfie 8MP, loa thoại và cụm cảm biến cảm ứng

Hiển thị

Zuk Z1 sở hữu một màn hình 5.5 inches độ phân giải Full HD, hiện tại, đây là kích thước và độ phân giải tiêu chuẩn cho các mẫu smartphone tầm trung. Mật độ điểm ảnh đạt 401ppi cho khả năng hiển thị sắc nét và đặc biệt không tốn pin như màn hình QHD cao cấp hiện nay. Lenovo mang tới một màn hình với độ sáng 396 nits và độ tương phản động đạt 1000:1 – những thông số ở mức trung bình. Độ tương phản thấp hơn khá nhiều so với Lenovo K3 Note và Redmi Note 2 ở cùng phân khúc dưới 5 triệu đồng.

Chất lượng hiển thị trên Zuk Z1 rất tốt

Trên thực tế, khả năng hiển thị màu sắc trên Zuk Z1 tương đối chính xác, hài hòa và trong trẻo. Có thể bạn sẽ hài lòng với khả năng hiển thị này, nếu so sánh với các sản phẩm đến từ Xiaomi như Redmi Note 3, Mi 4C, màn hình của Zuk Z1 nhỉnh hơn một chút về độ trong, màu sắc tốt hơn nhưng lại thua thiệt về độ sáng. Dẫu vậy, khi sử dụng ở nơi có cường độ sáng mạnh, chế độ ngoài trời được kích hoạt, Zuk Z1 cũng sẽ hiển thị một cách hoàn hảo. Tuy nhiên, nếu được trang bị một giải pháp về phần cứng có lẽ sẽ tốt hơn, giống như công nghệ ClearBlack chẳng hạn, đây là thiếu xót trên Zuk Z1.

Một điểm nhấn cần phải đề cập đó là phiên bản Zuk Z1 quốc tế do FPT phân phối được vận hành trên nền tảng Cyanogen OS. Nền tảng này bổ sung thêm tính năng LiveDisplay với các thang từ 6500K cho đến 5200K. Người dùng hoàn toàn có thể thay đổi màu sắc màn hình theo sở thích thông qua tính năng này. Tuy nhiên, độ sáng tối đa chỉ đạt 383 nits.

Ngoài ra, LiveDisplay cho phép thiết lập hai chế độ màu, một sử dụng ban ngày và một sử dụng ban đêm. Khi được thiết lập, Zuk Z1 sẽ tùy chỉnh theo thời gian mà đưa ra chế độ màu nhằm bảo vệ mắt người sử dụng.

Hiệu năng

Lenovo đã lựa chọn Snapdragon 801, một con chip đầu bảng trước đây của Qualcomm với hiệu năng tốt và đem lại tuổi thọ pin đáng nể. Cho dù dòng Snapdragon 8xx đã lên tới 810 tại thời điểm Zuk Z1 trình làng, tuy nhiên, sử dụng Snapdragon 801 là một nước đi khôn khéo của Lenovo, tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng vẫn đem tới một sản phẩm mạnh mẽ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng.

Ở phân khúc dưới 5 triệu đồng hiện nay, các mẫu smartphone của Xiaomi đang sở hữu vi xử lý Snapdragon 808 là được đánh giá cao hơn so với Snapdragon 801 trên sản phẩm của Lenovo, còn lại, ít có đối thủ nào có thể vượt qua được Zuk Z1. Phần lớn trong số chúng được trang bị vi xử lý 8 nhân dựa trên Cortex-A53 và GPU điện năng thấp. Thêm vào đó, Zuk Z1 cũng sở hữu dung lượng RAM lên tới 3GB. Nhìn chung, với cấu hình như vậy, người dùng không cần phải quá lo lắng về khả năng xử lý, chơi game, giải trí trên Zuk Z1.

Nhắc lại một chút, Snapdragon 801 là vi xử lý 4 nhân Krait 400, xung nhịp 2.5 GHz. Thử nghiệm với Basemark OS 2.0, Zuk Z1 mang lại hiệu suất tổng thể đạt 1180 cao hơn so với Xiaomi Redmi Note 3 (1067) và Lenovo K3 Note (984). Tuy nhiên khi xét hiệu suất đơn lõi và đa lõi, Zuk Z1 lại thấp hơn khá nhiều so với hai sản phẩm được so sánh ở trên.

Basemark 2.0

Điểm Antutu Benchmark v6.0

Về đồ họa, Adreno 330 chỉ phải gán độ phân giải 1080p đem lại hiệu suất tương đối tốt, tất nhiên, ở đây chúng ta có một mẫu smartphone sử dụng màn QHD cùng Adreno 330 là LG G3, hiệu suất đồ họa trên  Zuk Z1 là tốt hơn rất nhiều. Dẫu vậy, khả năng xử lý của Adreno 330 chỉ tương đương với các GPU tầm trung hiện nay. Thử nghiệm với các game 3D với yêu cầu xử lý đồ họa nặng như Modern Combat 5, Asphalt 8, Dead Trigger, Zuk Z1 đáp ứng một cách hoàn hảo ở mức FPS từ 25 trở lên, riêng với Moderan Combat 5, tình trạng giật lag đôi lúc xảy ra, điều này hoàn toàn dễ hiểu.

Nhìn chung, Lenovo sáng suốt khi lựa chọn vi xử lý Snapdragon 801, một vi xử lý đã từng xếp đầu bảng trong quá khứ. Cho dù hiện tại, vi xử lý này chỉ mang lại hiệu năng tương tự như các vi xử lý tầm trung hiện nay, tuy nhiên, sức mạnh tổng thể của con chip này vẫn hết sức đáng nể. Dẫu vậy, vẫn có những điểm yếu nhất đó, đó là việc hỗ trợ OpenGL ES 3.1, song, điều này không quá quan trong bởi các ứng dụng hiện nay có thể tương thích ngược với các nền tảng cũ.

Trên đây chỉ là những con số thống kê “khô khan”, thực tế, một sản phẩm như Zuk Z1 có thể làm nhiều hơn, hoạt động mượt mà, mạnh mẽ, đáp ứng các game nặng nhất hiện nay mà không gặp phải một khó khăn nào. Đi kèm với đó 3GB RAM sẽ đem tới khả năng đa nhiệm tốt cùng một dung lượng bộ nhớ trong 64GB, điều mà ít sản phẩm nào có giá dưới 5 triệu sở hữu.

Giao diện người dùng

Lenovo đã để đội ngũ phát triển Zuk Mobile liên kết với Xyanogen để hoàn thiện giao diện người dùng cũng như các tính năng trên Z1 quốc tế. Bản ROM đang chạy dựa trên CyanogenMode với giao diện gần giống với Android gốc, bổ sung thêm nhiều tính năng tùy chỉnh, đọc gọi là Xyanogen OS. Sự khác biệt chủ yếu của phiên bản quốc tế là một số ứng dụng độc quyền, đồng thời sử dụng dịch vụ Google Play bởi Xyanogen đã được Gã khổng lồ tìm kiếm chứng nhận. Bởi vậy, người dùng không cần phải quan tâm đến vấn đề cập nhật cũng như khả năng tương thích ở các thị trường riêng biệt.

Bản ứng dụng được sắp xếp theo thứ tự ABC, vuốt từ trên xuống dưới

Zuk Z1 tại Trung Quốc chạy ZUI thay vì Xyanogen, ZUI được tùy biến sao cho phù hợp với người dùng tại quốc gia này. Trước đây, Techz cũng đã từng trên tay Zuk Z1 chạy ZUI, nhìn chung, những thao tác trên bản tùy biến này không tốt và dễ dùng như Xyanogen. Với phiên bản quốc tế, các icon được thiết kế với giao diện phẳng, dễ nhìn, bảng ứng dụng được sắp xếp theo chiều dọc và phân loại theo bản chữ cái. Font chữ mặc định trên Zuk Z1 khá mỏng và khó nhìn, người dùng cần phải điều chỉnh một chút để có thể sử dụng tốt hơn.

Zuk Z1 sử dụng launcher Trebuchet, gần như các tính năng được đặt trong phần cài đặt, Muốn truy cập nhanh vào phần cài đặt, giữ chặt ở màn hình chính khoảng 1 giây, sau đó một bảng điều hướng hiện lên. Ở đây bạn có thể lựa chọn hình nền, widget, phần cài đặt. Khi kéo lên sẽ có thêm những lựa chọn ở màn hình chính như thanh tìm kiếm, hiệu ứng trượt, nhãn biểu tượng….. Tất cả rất đơn giản và dễ tiếp cận.

Màn hình khóa đơn giản, hiển thị thông tin đầy đủ, thao tác nhanh, gọn

Xyanogen mang tới khá nhiều tùy chọn mở khóa dành cho người dùng Zuk Z1, lựa chọn 3 biểu tượng ở dưới đáy màn hình để truy xuất nhanh camera hay cuộc gọi. Bên cạnh đó, người dùng sẽ sử dụng vân tay ở phím Home một cách nhanh chóng, tốc độ diện diện vân tay của máy rất nhanh, nhạy và không phải cần mất nhiều thao tác. Tất cả chưa đến một giây.

Do đây là bản ROM được mod nên những tính năng như Double-Tap (click 2 lần để mở) cũng được hỗ trợ, máy sẽ sử dụng cảm biến để ngăn điện thoại vô tình mở khóa khi để trong túi quần. Một tính năng đáng chú ý nữa trên Xyanogen OS là khả năng tùy chỉnh DPI màn hình, một DPI nhỏ hơn sẽ giúp hiển thị nhiều ứng dụng hơn trên cùng một trang, tất nhiên, font chữ sẽ khó nhìn hơn.

Nhìn chung, đối với người đã từng sử dụng qua nhiều thiết bị Android cũng như hay up những bản ROM mod từ Cyanogen, Xyanogen OS thực sự dễ tiếp cận. Ngay cả những người mới, những tính năng cơ bản được đội ngũ phát triển “phơi bày” và tùy chỉnh một cách nhanh chóng. Việc của người dùng đó là thiết lập vân tay, sau đó lựa chọn giao diện theo sở thích của mình và sử dụng.

Camera

Camera là phần đáng quan tâm và nổi trội nhất của Zuk Z1, một chiếc smartphone giá rẻ được trang bị cảm biến 13MP, hệ 5 thấu kính, đèn flash LED kép cùng khả năng ổn định hình ảnh quang học (OIS). Không sản phẩm nào trong mức giá dưới 5 triệu đồng có được điều này. Chưa kể đến camera trước của sản phẩm này cũng đạt mức 8MP cho ảnh chi tiết và màu sắc tương đối tốt. Thực tế, ảnh chụp từ camera sau trên Zuk Z1 rất tốt, chi tiết và màu sắc chân thực. Khả năng cân bằng trắng tốt, tuy nhiên độ bão hòa vẫn chưa thực sự cao, viền tím xuất hiện trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Ấn tượng với camera của một sản phẩm giá rẻ

Cảm biến sử dụng trên Zuk Z1 là Sony IMX 214 với khẩu độ F/2.2, kích thước 1.12 µm, đây là cảm biến thông dụng nhất hiện nay. Song, điểm khác biệt lớn nhất nằm ở thuật toán xử lý. Khả năng chụp đêm trên Zuk Z1 là rất tốt, việc đẩy sáng là hoàn hảo, tất nhiên sẽ xuất hiện nhiễu rất lớn, nếu có một chút kinh nghiệm, đo sáng vào những vùng có cường độ mạnh, bức ảnh sẽ trở nên đẹp hơn.

Chế độ chụp toàn cảnh thực sự gây thất vọng, ngay cả khi các thao tác của bạn là chuẩn xác, những chi tiết thể hiện không được như mong đợi.

Ứng dụng camera đặc trưng của Cyanogen với giao diện hết sức tối giản với ba phím bao gồm chụp, quay video và paronama. Ứng dụng cho phép bạn thay đổi chế độ chụp từ tự động, HDR cho đến các hiệu ứng như Aqua, Emboss, Sketch hay Neon cũng chỉ bằng một lần vuốt trên màn hình. Các hiệu ứng này sẽ được người dùng tùy chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu của mình.

Trong phần cài đặt, chúng ta có thể lựa chọn kích thước ảnh, chất lượng ảnh (lựa chọn chất lượng thấp để điều chỉnh dung lượng, tuy nhiên với 64GB bạn nên chọn mức cao nhất). Ở phần nâng cao sẽ có thêm lựa chọn khả năng lấy nét, nhận diện khuyên mặt, thời gian chạm lấy nét, tùy chỉnh ISO, phơi sáng tự động và một tính năng khác cho phép lựa chọn tần số quét.

Camera selfie sở hữu độ phân giải 8MP cho chất lượng ảnh chi tiết hơn phần lớn các smartphone trên thị trường hiện nay, song, góc chụp vẫn chưa thực sự rộng, hiệu ứng tương tự như camea trước.

Những bức ảnh chụp ảnh bằng chế độ tự động của Zuk Z1

Thời lượng sử dụng pin

Có một điểm đặc biệt trong lối thiết kế của Zuk Z1 đó là viên pin được xếp chồng bởi hai tấm hình chữ nhật để có thể lấp đầy mặt lưng. Việc này vừa giúp phần nắp lưng không bị ọp ẹp, đồng thời mở rộng dung lượng pin. Bởi vậy, Zuk Z1 có một viên pin dung lượng lên tới 4.100 mAh. Đáng tiếc, Lenovo không hỗ trợ một công nghệ sạc nhanh nào mà thay vào đó là bộ sạc 5V/2A, người dùng phải mất rất nhiều thời gian để có thể sạc đầy Zuk Z1, trong thử nghiệm xấp xỉ 4h đồng hồ.

Với dung lượng pin như vậy, chắc chắn thời lượng pin của Zuk Z1 sẽ vượt trội và thực tế đã chứng minh điều này. Việc thử nghiệm hỗn hợp nghe gọi, duyệt web của 3G, xem video cũng như chơi game sẽ đem lại những con số chính xác nhất, bởi đây là những gì người dùng thường xuyên thực hiện trong một ngày.

Người dùng sẽ có thời gian chơi game dài hơi trên Zuk Z1

Bắt đầu thử nghiệm, Zuk Z1 đạt 100% thời lượng pin. Sau 1h nghe gọi, 2h duyệt web thông qua 3G, xem hết bộ phim Kungfu Panda 3 với gần 2h đồng hồ, chơi game MU Vô Song trong 1 giờ, máy còn 55%, một con số quá tuyệt vời. Như vậy, sau 6 giờ hoạt động hỗn hợp, máy mới chỉ tiêu thụ hết 45% thời lượng pin. Đối với nhu cầu cơ bản, việc Zuk Z1 trụ hơn 1 ngày là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Theo các bài đánh giá trước đây, với các thử nghiệm chuyên nghiệp, Zuk Z1 có thể chịu đựng 22h13p, cho việc gọi 3G, 10h46p cho duyệt web và 14h14p cho xem video, thời gian chờ đạt tới 97h, những con số quá ấn tượng cho một chiếc smartphone giá rẻ.

Thay cho lời kết

Với 5 triệu đồng, bạn không khó để tìm kiếm một chiếc smartphone phù hợp với nhu cầu của mình, từ giải trí cho đến chụp ảnh. Tuy nhiên, nếu đang tìm một thiết bị chính hãng, thời lượng pin dài hơi, màn hình đẹp, camera với khả năng chống rung quang học và cấu hình mạnh mẽ, Lenovo Zuk Z1 là sự lựa chọn hoàn hảo.

Cảm ơn của hàng Hoàng Hà Mobile đã hỗ trợ sản phẩm để chúng tôi thực hiện bài viết này, Hiện tại, Lenovo Zuk Z1 đang sở hữu mức giá chỉ 4,99 triệu đồng và do Hoàng Hà Mobile độc quyền phân phối trong thời gian tới. Mọi thông tin chi tiết về sản phẩm, bạn đọc có thể tham khảo tại đây

 

Trên tay ZUK Z1: Đứa con mang thương hiệu mới của Lenovo

(Techz.vn) ZUK - Thương hiệu trước đây thuộc quyền sở hữu của công ty viễn thông SHENQI (Trung Quốc) nhưng gần đây đã được Lenovo mua lại. Đến hôm nay, Lenovo đã chính thức giới thiệu mẫu điện thoại ZUK Z1 tại thị trường Việt Nam.