Laptop

Đánh giá ASUS ROG G501JW: Tài sắc vẹn toàn

Đánh giá ASUS ROG G501JW: Tài sắc vẹn toàn

Với sự xuất hiện của ROG G502J, ASUS cho thấy một diện mạo mới của dòng gaming latop đình đám của mình. Trái với vẻ ngoài xù xì và hầm hố của những người anh em ROG, G502J sở hữu một thiết kế kim loại cao cấp, mỏng, nhẹ, vuông vắn và chắc chắn. Bên cạnh đó, ASUS cũng cung cấp một cấu hình cực mạnh ở thời điểm hiện tại cùng một màn hình Full HD, tấm nền IPS giúp người dùng có một trải nghiệm chơi game tuyệt vời nhất trong mức giá tầm 30 triệu đồng.

Video cận cảnh và trải nghiệm ASUS ROG G501JW

Tất nhiên, bên cạnh những điểm mạnh nói trên, sản phẩm của ASUS còn tồn tại một số nhược điểm cố hữu như khá bám vân tay, bàn phím sở hữu hành trình phím hơi dài cùng khả năng tản nhiệt chưa thực sự ấn tượng. Dưới đây là những đánh giá chi tiết về chiếc ASUS ROG G501J – thành viên quyến rũ nhất trong gia đình Republic of Gamer.

Cấu hình chi tiết

Phiên bản được dánh giá trong bài viết mang tên mã ASUS ROG G501JW CN217H với cấu hình như sau:

Thiết kế

ASUS đã làm mọi thứ để không để tụt lại phía sau trên thị trường gaming laptop khi các đối thủ như Acer, HP, Razer đều có những thiết bị sở hữu thiết kế rất đẹp. ASUS sẵn sàng hy sinh nét hầm hố đặc trưng của dòng ROG để có được G501J với thiết kế kim loại nguyên khối chắc chắn, mỏng, nhẹ.

Có lẽ khó thể chê được thiết kế tổng quan mà chiếc gaming laptop này đem đến cho người sở hữu với màu đen sang trọng nhưng đâu đó vẫn còn sự bụi bặm, đậm chất game thủ. Nhiều người khi nhìn thấy chiếc laptop này nhiều người đánh đồng với Macbook Pro với vỏ ngoài tương tự, một số khác lại nói đây thực chất là ASUS N551, GL551 thay áo và sở hữu những đường nét vuông vắn hơn hay có nhiều nét tương đồng với MSI GS60. Song, theo quan điểm của người viết, các sản phẩm của ASUS luôn sở hữu một vẻ đẹp riêng và không đánh đồng với sản phẩm nào khác trên thị trường.

Chất liệu làm thân máy bằng kim loại được sơn đen, bóng, tạo cảm giác sang trọng và không kém phần chắc chắn

Chất liệu nhôm nguyên khối được sơn đen bóng bảy tạo cảm giác chắc, khỏe cho G501JW, tuy nhiên, điểm trừ đáng tiếc là mặt lưng phía sau mà hình lại khá ọp ẹp. Có lẽ do quá tự tin vào chất liệu kim loại nên ASUS không gia cố thêm khung thép phía sau màn hình như một số sản phẩm trên thị trường. Trước đó GL552J hay thậm chí là G750 cũng không có được điều này. Bên cạnh đó, để tối ưu trọng lượng cho sản phẩm, các chi tiết kim loại phải được làm mỏng đi, đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Tiếp đó, các bề mặt kim loại khá dễ bám vân tay, đặc biệt là phần mặt lưng. Tất nhiên, người dùng cần phải đánh đổi một chút khi sản phẩm được sơn màu đen bóng sao cho phù hợp với tone chủ đạo của dòng ROG. Bề mặt kim loại để tay cạnh Touchpad cũng khá bám vân tay nhưng lại dễ lau chùi hơn mặt lưng của G501JW.

Nhìn chung, G501JW được chế tạo một cách chau chuốt và chắc chắn. Điểm người dùng thích nhất đó là viền xung quanh màn hình được làm bằng nhựa cứng, ráp và ốp chặt lấy viền màn hình. Ấn vào có cảm giác chắc tay chứ không ọp ẹp như Acer V Nitro Black Edition hay các gaming laptop của MSI.

Loa của máy được bố trí ở phía dưới và tản về hai bên kết hợp cùng với khả năng phát âm thanh dưới bàn phím nhằm tạo nên hiệu ứng âm thanh vòm đầy đủ hơn. Khe tản nhiệt được đặt tại phía dưới mà hình, thổi trực tiếp nhiệt lượng ra ngoài qua cả bản lề giữa màn hình và thân máy. Thiết kế tản nhiệt khá giống với Macbook của Apple. Nhiều người lo sẽ tỏ ra lo ngại cho màn hình khi nhiệt lượng tỏa ra ở vị trí này.

Máy sở hữu số đo ba vòng 383 x 255 x 20,57 mm và trọng lượng chỉ 2,04kg, những con số ấn tượng dành cho một chiếc gaming laptop. Mời bạn đọc xem lại những hình ảnh về chiếc laptop này.

Phụ kiện theo máy gồm dây sạc và cổng chuyển đổi USB-RJ45 

Thiết kế nguyên khối, pin liền

Loa đặt ở phía dưới, hướng về hai bên kết hợp âm thanh từ phía bàn phím tạo nên hiệu ứng âm thanh vòm khá ấn tượng

Máy sở hữu màn hình 15.6 inches với trọng lượng khá nhẹ cho dù sở hữu thiết kế bằng kim loại

Thông tin cấu hình theo máy

Touchpad lớn, hỗ trợ cảm ứng đa điểm và cho cảm giá "rê" khá thích

Logo ASUS bên dưới màn hình

Bàn phím full size hỗ trợ đèn led trợ sáng khi sử dụng trong bóng tối

4 phím W, A, D, S được đánh dấu đỏ

4 phím điều hướng khá nhỏ và đặt sát các phím khác nên hơi bất tiện khi xác định. Đặc biệt phím sang trái lại hợp vào với bàn phím số nên khi ấn "0" sẽ rất hay bị nhầm. Một điểm trừ khá đáng tiếc trên sản phẩm của ASUS

Cạnh phải bao gồm khe cắm thẻ nhớ SD, jack cắm tai nghe và 2 cổng USB

Phía trước là 3 đèn thông báo trạng thái

Cạnh trái gồm cổng nguồn, HDMI, Thunderbolt, 1 cổng USB

Bản lề khá chắc chắn

Màn hình trên ROG G501J có độ phân giải Full HD và sử dụng tấm nền IPS cho màu sắc hiển thị rực rỡ và góc nhìn lên tới 178 độ

Viền xung quanh màn hình được làm bằng nhựa, gia cố bằng khung thép bên trong rất chắc chắn và ăn khớp

Khe tản nhiệt hướng về phía màn hình

Màn hình

Sự thay đổi của ASUS cũng đến từ việc trang bị màn hình IPS cho các sản phẩm thuộc dòng ROG ở tầm thấp hơn. Trước đó, ngay cả ROG G750 thuộc phân khúc cũng chỉ sử dụng tấm nền TN Chimei. Với tấm nền IPS, màn hình của G501JW hiển thị màu sắc rất tốt, lớp phủ matte giúp chống chói hiệu quả và màu sắc dịu mắt hơn.

Màn hình trên G501JW được đánh giá cao

G501J có hai lựa chọn độ phân giải là 4K và FHD, bản mà Techz đang đánh giá sở hữu độ phân giải thấp hơn là 1920x1080 pixels. Thực tế ở độ phân giải này sẽ cho trải nghiệm game mượt mà hơn bởi khi tăng lên 4K, cấu hình vẫn sẽ giữ nguyên và không gánh nổi một số game nặng ở độ phân giải này. Màn hình trên G501JW tương tự như trên MSI GE62, GS60 hay Acer Aspire V Nitro cho độ tương phản tốt, màu đen thể hiện sâu. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao màu trắng trên máy lại ám vàng hơn so với V Nitro. Nhiều khả năng do máy đã được cân chỉnh sao cho dịu mắt hơn.

Màn hình trên G501JW có góc nhìn rất rộng

Bên cạnh đó, độ sáng được phân bó khá đồng đều nên khi thay đổi góc độ, bạn sẽ không gặp phải nhiều khó khăn. Trong khi đó, sản phẩm của Acer lại không được như vậy, hiện tượng bị lóa hay góc tối thường xuyên xuất hiện khi thay đổi góc độ nhìn, đặc biệt là các nền màu trắng. Tuy nhiên về góc độ màu sắc hiển thị, sản phẩm của ASUS còn kém hơn một chút so với V Nitro, đặc biệt là độ tương phản (635:1 so với 870:1). Màu sắc có độ chính xác thấp hơn so với V Nitro, tương đồng với MSI GS60, song, khi chơi game, tính chính xác thường không quá quan trọng.

Khả năng hiển thị ngoài trời của máy cũng ở nằm ở mức khá do độ sáng trung bình đạt 310 nits. Do sử dụng tấm nền IPS nền màu sắc sẽ ít bị mất khi thay đổi góc nhìn, phù hơp với xu hướng phát triển laptop hiện nay.

Âm thanh

ASUS cung cấp công nghệ âm thanh của Dolby cho chiếc gaming laptop của mình (phiên bản cấu hình cao cấp nhất sở hữu lia Bang&Olufsen Stereo) với hai loa được đặt ở phía dưới hướng về hai bên. Bên cạnh đó, phía dưới bàn phím cũng có thể phát âm lượng tạo nên hiệu ứng âm thanh vòm khá hoàn hảo. Ngoài ra, ứng dụng đi kèm cung cấp cho người dùng khá nhiều tùy chỉnh bao gồm các Profile sẵn cho các tác vụ nhu xem phim, nghe nhạc, chơi game hay chat voice cùng khả năng tinh chỉnh Equalizer khá tốt.

Thực tế âacirc;m thanh trên G501JW khá tốt, to, rõ ràng, tuy nhiên lại thiếu bass do không cung cấp một loa siêu trầm bên trong. Tuy nhiên, thiết kế rất mỏng cũng như kim loại nguyên khối khiến ASUS không thể thực hiện điều này. Dẫu vậy, khi chơi game, các game thủ sẽ sử dụng tai nghe hay gear để có được một chất lượng âm thanh tốt và sống động hơn.

Bàn phím và Touchpad

Với kích thước màn hình 15.6 inches, sản phẩm của ASUS có đủ không gian để cung cấp bàn phím full size với bàn phím số đặt ở bên phải. Đặc biệt các phím bấm được làm đầy đủ chứ không giảm đi một nửa giống như HP Omen hay Acer V Nitro mà chúng ta từng trên tay trước đây. Tuy nhiên, để gói gọn bàn phím, ASUS lại đưa phím sang phải vào bên trong bàn phím số vốn là nơi để phím “0” lớn, bởi vậy người dùng sẽ phải mất thêm thời gian làm quen để sử dụng một cách trơn tru hơn. Cũng giống như V Nitro, ROG G501JW không hỗ trợ thêm các phím Macro chuyên dụng trong game, thực hiện nhanh các thao tác phức tạp.

Bàn phím trên G501JW là dạng chiclet có hỗ trợ đèn nền màu đỏ vớ nhiều mức khác nhau, điều chỉnh bằng Fn+F3, F4.  Cảm giác phím bấm của G501JW cũng khá êm, nhẹ và chắc chắn hơn so với LG552JX trước đây, cảm giác bấm tốt, độ nảy cao. Tuy nhiên, hành trình phím có vẻ hơi dài (1,6mm) nên đôi lúc khi gõ word, chat hay đăng status trên Facebook bạn sẽ bỏ xót một số lỗi như kỹ tự tiếng Việt cần phải nháy đúp như “ê”, “ô”, “â”. Bạn sẽ dễ dàng nhận biết khi bấm liên tục nút backspace để xóa ký tự. Để khắc phục điều này, người dùng sẽ phải tạo thói quen để chu kỳ ấn phím chậm lại một chút. Song, vấn đề này không quá ảnh hưởng đến quá trình chơi game của người dùng. Ngoài ra, khi hoạt động trong một không gian yên tĩnh, một số phím có tiếng két két khá khó chịu. Một nhược điểm không đáng có trên sản phẩm của ASUS.

Game thủ thường không quá tập trung quá nhiều vào tác dụng của Touchpad bởi thông thường họ sẽ sử dụng chuột gaming bên ngoài để trải nghiệm chơi game tốt hơn. Song, là một chiếc laptop chúng ta sẽ không bỏ qua được, đơn giản vì nhiều lúc sẽ cần phải dùng đến chúng và hơn nữa, đa là một thành phần quan trọng nhất của một chiếc máy tính xách tay. Touchpad trên G501JW có kích thước tương đồng với GL552 hay GL551 (10.5 x 7.3 cm) và được làm nổi bật bằng một viền màu đỏ khá chuyên nghiệp, đồng bộ với tone màu chủ đạo của máy. Cảm giác rê khá tốt, không bám quá nhiều mồ hôi như diện tích kim loại xung quanh, tuy nhiên, khi bấm sẽ tạo nên tiếng cạch cạch rất khó chịu. Bù lại, hành trình cho hai phím nông, người dùng chỉ cần thao tác một cách nhẹ nhàng. Cảm ứng trên bàn rê khá nhạy, hỗ trợ cảm ứng đa điểm tốt đi kèm với ứng dụng ASUS Smart Gesture cho phép tùy chọn cảm ứng lên tới 3 ngón tay.

Lưu trữ

Phiên bản mà Techz đánh giá sở hữu SSD Micron M600 128GB đi kèm ổ cứng Hitachi Travelstar 1TB tốc độ quay 5400rpm. Đối với một chiếc laptop được cung cấp thêm SSD, ổ cứng lưu trữ sẽ chỉ ở mức 5400rpm để giảm giá thành và mở rộng tối đa dung lượng lưu trữ, SSD được sử dụng để cài hệ điều hành. G50JW sở hữu tốc độ khởi động khá ấn tượng chỉ 3s để có thể vào desktop (sử dụng Windows 8.1) và gần 10s để có thể load toàn bộ driver các ứng chạy chạy nền.

Thử nghiệm với CrystalDiskMark, kết quả cho ra hết sức ấn tượng với tốc độ đọc lên tới 557,7 MB/s và tốc độ ghi đạt 456,4MB/s. Với phiên bản cao cấp nhất được bán tại thị trường Mỹ với 4 ổ M2 chạy RAID, tốc độ đo được đạt hơn 1300MB/s.

Tốc độ được ghi nhận bởi Crystaldiskmark

Thử nghiệm với AS SSD

Tốc độ đọc cao nhất đo được là 404,7 MB/s. thời gian truy xuất đạt 0,098ms

Đo tốc độ đọc của ổ HDD, tốc độ đọc cao nhất chỉ đạt 106,7 MB/s và thời gian truy xuất lên tới 20,5 ms

Hiệu năng

Gần như tất cả những gì tốt nhất trong tầm giá dưới 35 triệu đồng được ASUS tích hợp vào ROG G501JW với CPU Intel® Core™ i7-4720HQ, RAM 16GB và GPU Nvidia GeForce GTX 960M 4GB GDDR5. Tất nhiên, với cấu hình như vậy, mẫu laptop này đáp ứng được hầu hết các game nặng hiện nay bao gồm cả GTA5, Batman Origin, Battlefield 4…. Còn với những ai là tín đồ game online thì có lẽ không cần phải quá bận tâm nữa, máy đáp ứng một cách hoàn hảo những tựa game MOBA như Liên minh huyền thoại, Dota 2 hay FPS như CS:GO, CoD Black opps III….

Hiệu suất của vi xử lý trên G501JW tương tự như i7-3840QM trước đây và xung nhịp được đẩy cao hơn một chút so với người anh em i7-4710HQ (được trang bị trên khá nhiều laptop chơi game hiện nay). Hiệu năng xử lý đa nhân và đơn nhất nhỉnh hơn một chút so với Core i7-4710HQ.

Đánh giá hiệu năng giữa i7-4710HQ và i7-4720HQ 

 

Sử dụng Cinebench 11.5 để đo hiệu suất hoạt động của vi xử lý

G501JW sử dụng GPU Nvidia Geforce GTX 960M với dung lượng VRAM 4GB GDDR5, bộ nhớ 128-bit, 640 lõi CUDA (những thông số này tương đồng với GTX 860M). Về sức mạnh, GTX 960M cao hơn so với GTX 860M cả về hiệu năng chơi game hãy những bài thử nghiệm bằng phần mềm bechmark thông dụng.

 

Hiệu suất xử lý đồ họa trên GTX 960M nhỉnh hơn so với người đàn anh GTX 860M

Điểm thử nghiệm với 3DMark11

 

Điểm thử nghiệm với 3DMark Advanced Edtion

Về khả năng chơi game, hầu hết các ấn phẩm ra mắt trong năm 2015, ROG G501JW hoàn toàn đáp ứng ở mức cao về đồ họa. Ở đây, Techz đã thử nghiệm với những tựa game nặng như GTA 5, Batman Arkham Origin, Battle Field 4....

Tốc độ khung hình đạt được trong game với các thiết lập ở mức High và bật toàn bộ các tính năng hỗ trợ. Lưu ý Liên Minh Huyền Thoại còn bị ảnh hưởng do đường mạng không ổn định, con số trung bình đạt được có thể cao hơn

Nhiệt độ và tiếng ồn

Việc sắp xếp chỉ một khe tản nhiệt với tiết diện nhỏ và hướng về phía màn hình, nhiều người đã lo ngại khả năng thoát nhiệt của chiếc máy này. Trong quá trình sử dụng, đặc biệt là chơi game, máy khá nóng (nhiệt độ CPU lên tới 86 độ và GPU là 78 độ) nhưng nhờ quạt tản nhiệt hiệu quả cùng công nghệ Hyper Cool nên tấm để tay và các phím WSAD không bị ảnh hưởng, giúp người chơi thỏa mái hơn. Nhiệt lượng thường tập trung ở phía trên bàn phím gần với khe tản nhiệt, còn từ bàn phím trở xuống, nhiệt độ cao nhất chỉ là 38 độ C trong điều kiện phòng.

Do không có điều kiện và thời gian tháo máy nên người viết sẽ sử dụng hình ảnh của Notebookcheck. Tuy phiên bản mà Notebookcheck đánh giá có sự khác biệt về ổ M2 vì thế cách sắp xếp các linh sẽ có đôi chút khác biệt nhưng về cơ bản hệ thống thanh tản sẽ vẫn như vậy. Nhìn chung khả năng tản nhiệt của hai quạt là rất tốt

Về độ ồn, có lẽ không thể đòi hỏi một chiếc gaming laptop sở hữu khả năng "im lặng" khi hoạt động, đặc biệt là khi G501JW lại hy sinh khá nhiều khoảng trống để dành cho vẻ quyến rũ của máy. Độ ồn có lẽ tương đương với chiếc Macbook Pro Retina. Khi ở chế độ tiết kiệm pin, máy gần như không phát ra tiếng, tuy nhiên khi hoạt động ở mức cao độ ồn lại khá lớn (lên tới 40dB).

Thời lượng pin

Cuối cùng, đó là thời lượng pin, tuy nhiên theo quan điểm của người viết, một chiếc gaming laptop không cần quan tâm quá về phần này. Tuy nhiên, đây lại là một điểm mạnh của ROG G501JW. Máy được cung cấp một viên pin 4 Cell 60Wh, thấp hơn khá nhiều so với phiên bản cấu hình cao nhất (6 Cell, 96 Wh) do phải nhường chỗ cho ổ HDD.

Máy đạt 4h sử dụng với độ sáng màn hình cao nhất và hoạt động với các tác vụ thông thường như lướt web, soạn thảo văn bản và nghe nhạc. Việc chơi game sẽ ngốn pin nhanh hơn (đạt gần 2 giờ đồng hồ với PES 2015) và hiệu năng cũng không được như mong muốn.

Kết luận

Giá thành chính thức của G501JW chưa được ASUS công bố, song, theo đại diện của hãng, máy đang được đề xuất với mức giá gần 34 triệu đồng. Đây thực sự là một mức giá khá tốt dành cho một chiếc gaming laptop có cấu hình mạnh đi kèm thiết kế vô cùng ấn tượng. Bên cạnh đó, máy cung cấp những trải nghiệm chơi game mượt mà thông qua màn hình với tấm nền IPS cho chất lượng hiển thị thuộc diện tốt trong thế hệ gaming laptop năm nay.

 

Mở hộp ROG G501J: Gaming laptop đẹp nhất của ASUS

(Techz.vn) Như đã trao đổi với độc giả trong những bài viết gần đây, gaming laptop đang tiệm cận với sự tối ưu về cấu hình và thiết kế, thu hẹp khoảng cách giữa một cỗ máy chơi game với một thiết bị di động. ASUS ROG G501J là một đại diện tiêu biểu cho xu hướng đó.