Đánh giá laptop

Đánh giá Acer Aspire V5-551G

Đánh giá Acer Aspire V5-551G

V5-551G là một trong số ít mẫu laptop dùng chip AMD Trinity 4 nhân, khả năng xử lý đồ họa mạnh với công nghệ Dual Graphics, đáp ứng tốt nhu cầu làm việc lẫn chơi game giải trí di động.

Acer Aspire V5-551G

Aspire V5-551G có thiết kế đơn giản, khoác bộ cánh tông xám lông chuột cùng các góc cạnh bo tròn mang lại cảm giác mỏng gọn, nhẹ nhàng. Máy trang bị màn hình LCD nền LED 15,6 inch, kích cỡ tương đương những mẫu laptop cùng dòng (38,2 x 25,3 x 2,1 cm, nặng 2,3 kg) nên không quá nặng để mang theo khi di chuyển.

Hệ thống âm thanh cũng được cải tiến tốt hơn với bộ loa 2.0, hỗ trợ công nghệ âm thanh Dolby Advanced Audio ver.2. Âm thanh trong, dễ nghe nhưng vẫn thiên về tần số trung và cao như phần lớn các mẫu laptop khác

Các cổng giao tiếp ở cạnh trái.

Các cổng giao tiếp với thiết bị ngoại vi được bố trí ở 2 cạnh bên, hỗ trợ đầy đủ những kết nối đáp ứng tối đa nhu cầu người dùng. Cụ thể cạnh trái có cổng USB 3.0, ngõ xuất tín hiệu hình ảnh HDMI, bộ đọc thẻ “5 trong 1”, cổng mạng (RJ-45) Gigabit và ngõ cắm headphone kết hợp.

Ổ DVD+/-RW và 2 cổng USB 2.0 ở cạnh phải.

Cạnh phải có thêm 2 cổng USB 2.0, VGA tiêu chuẩn và ổ quang DVD+/-RW. Ngoài ra, V5-511G còn trang bị card mở rộng hỗ trợ kết nối WiFi tốc độ cao 802.11n và Bluetooth 4.0.

Pin Lithium Ion 4 cell dung lượng 2.500 mAh.

Màn hình, bàn phím và touchpad

Màn hình LCD 15,6 inch, hỗ trợ công nghệ Acer CineCrystal.

Aspire V5-551G trang bị công nghệ CineCrystal cải thiện chất lượng hình ảnh hiển thị, độ tương phản tốt hơn và ít bị chói sáng khi sử dụng ngoài trời lẫn trong văn phòng. Tuy nhiên do trang bị màn hình cỡ lớn 15,6 inch nhưng độ phân giải tối ưu chỉ đạt mức 1.366 x 768 pixel; tương đương với màn hình 13,3 inch nên độ sắc nét và chi tiết hình ảnh hiển thị kém hơn so với màn hình 13,3 inch.

Bàn phím đèn nền LED.

Điểm cộng của V5-551G là bàn phím “full size” với đèn nền LED (LED backlit keyboard) hỗ trợ đầy đủ các phím cơ bản và cả nhóm phím số bên phải; tiện dụng hơn với dân tài chính, kế toán trong việc nhập số liệu. Kích thước phím nhấn nhỏ nhưng khoảng cách giữa các phím khá rộng tạo sự thoải mái khi sử dụng. Dù vậy, độ nhạy chỉ ở mức trung bình và lực nhấn giữa các phím không đồng đều; nhất là phím space bar đã ảnh hưởng đáng kể đến “cảm giác phím” khi gõ văn bản với tốc độ nhanh.

Touchpad cảm ứng đa điểm, dễ sử dụng.

Touchpad rộng, hỗ trợ cảm ứng đa điểm giúp đơn giản hóa thao tác sử dụng. Hai nút chuột (trái, phải) tích hợp, phím nhấn nhẹ, dễ sử dụng.

Hiệu năng

Chi tiết cấu hình phần cứng ghi nhận qua tiện ích HWinfo

Thử nghiệm với cấu hình phần cứng gồm bộ xử lý AMD Trinity A8-4555M (1,6 GHz, 4MB cache L2, 19W), 4GB RAM DDR3 bus 1.333 MHz và ổ cứng (HDD) 500GB. Bên cạnh đồ họa Radeon HD 7600M tích hợp trong bộ xử lý A8-4555M, máy còn được trang bị đồ họa rời Radeon HD 7600G theo công nghệ Dual Graphics.

Về bản chất, công nghệ Dual Graphics là sự làm việc “cộng tác” giữa chip xử lý đồ họa tích hợp (IGP – Intergrated Graphic Processor) và chip xử lý đồ họa rời GPU (Graphic Processor Unit) nhằm nâng cao năng lực xử lý đồ họa của hệ thống. Tuy nhiên, cần lưu ý không phải tất cả phần mềm, game được hỗ trợ công nghệ này.

Kết quả thử nghiệm bên dưới cho thấy hiệu năng tổng thể Aspire V5-551G khá tốt, đủ đáp ứng nhu cầu làm việc lẫn chơi game giải trí di động. Kết quả này cũng thể hiện được hiệu quả công nghệ Dual Graphics khi kết hợp giữa chip đồ họa tích hợp và đồ họa rời. Cụ thể, so với đồ họa rời Radeon HD 7600G, điểm số 3DMark 11 cao hơn khoảng 52,7%, với game Alien vs. Predator là 42,4% và 6,99% với phép đánh giá tổng thể hiệu năng hệ thống PCMark 7. Với gameStreet Fighter IV, điểm số đạt được không có nhiều thay đổi do game không hỗ trợ. Tham khảo chi tiết trong bảng kết quả thử nghiệm bên dưới.

So sánh hiệu năng đồ họa Dual Graphics và đồ họa rời với PCMark 7.
Kết quả các phép thử đồ họa và game.

Máy hoạt động khá êm, tản nhiệt hiệu quả cả trong tác vụ xử lý đồ họa và game “hạng nặng”. Dù vậy, thời gian dùng pin ghi nhận qua công cụ MobileMark 2007 cho thấy cấu hình thử nghiệm chỉ đạt 3 giờ 40 phút; khá thấp so với các mẫu laptop từng thử nghiệm.

Chi tiết kết quả thử nghiệm

Kết quả PCMark 7.

Với công cụ đánh giá tổng thể hiệu năng hệ thống PCMark 7, V5-551G đạt 1.761 điểm.

ATTO Disk Benchmark đo tốc độ đọc ghi của phân vùng cài đặt hệ điều hành.

Điểm thành phần ổ cứng (HDD) qua phép thử ATTO Disk Benchmark cho thấy tốc độ truy xuất dữ liệu của phân vùng hệ thống đạt mức trung bình, tốc độ ghi là 71,7 MB/giây và đọc 74,6 MB/giây đoạn dữ liệu mẫu dung lượng 2GB.

Đánh giá khả năng xử lý đa luồng với Cinebench 11.5.

Sử dụng công cụ Cinebench R11.5 (64 bit) đánh giá năng lực bộ xử lý AMD Trinity A8-4555M và đồ họa Dual Graphics, cấu hình thử nghiệm đạt 1,33 điểm ở phép thử CPU và 23,54 khung hình/giây (fps) ở phép thử OpenGL.

Hiệu năng đồ họa

Kết quả 3DMark 11 chạy ở chế độ Performance.

V5-551G đạt 1.449 điểm ở phép thử Graphic và 1420 điểm hiệu năng tổng thể 3DMark 11; cao hơn khoảng 3 lần so với đồ họa tích hợp HD Graphics 4000 của bộ xử lý Core i5-3317U (511 điểm Graphic).

Game Alien vs. Predator là một phép thử "nặng ký" đối với đồ họa laptop.

Tương tự với game “hạng nặng” Alien vs. Predator, tốc độ khung hình trong game đạt mức 48,4 khung hình/giây và giảm còn 36,7 khung hình/giây khi đẩy thiết lập đồ họa lên mức trung bình (medium qulity, 0xAA và 4xAF).

Street Fighter IV của CAPCOM vốn không xa lạ gì với nhiều game thủ.

V5-551G cũng đạt kết quả khá cao trong game Street Fighter IV với 8.623 điểm và 44,8 khung hình/giây ở độ phân giải 1.366 x 768 pixel, thiết lập đồ họa mặc định.

Thời gian dùng pin

MobileMark 2007 là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu dùng để đánh giá thời lượng pin laptop.

Kiểm tra thời gian dùng pin tối đa bằng phép thử MobileMark 2007, cấu hình thử nghiệm chỉ đạt 3 giờ 40 phút; khá thấp so với các mẫu laptop từng thử nghiệm.

Khả năng tản nhiệt

Nhiệt độ được ghi nhận qua tiện ích HWMonitor và GPU-z.

Bên cạnh các phép đánh giá hiệu năng, Số Hóa cũng ghi nhận khả năng tản nhiệt của V5-551G trong môi trường 26 độ C. Máy hoạt động khá êm, tản nhiệt hiệu quả cả trong tác vụ xử lý đồ họa và game; chẳng hạn trong tác vụ 3DMark 11, nhiệt độ cao nhất của bộ xử lý là 62 độ C và card đồ họa rời là 59 độ C; thấp hơn đáng kể so với các mẫu laptop card đồ họa rời khác.