Nhịp sống số

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo “đòi nợ qua điện thoại”

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo “đòi nợ qua điện thoại”

(Techz.vn) Lại vừa xuất hiện thêm một trò lừa đảo qua điện thoại mới với cách thực hiện không mới cũng chẳng tinh vi nhưng vẫn lừa tiền được rất nhiều nạn nhân. Vì vậy, bạn đọc cần cảnh giác cao độ!

Ghi nhận của Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho thấy trong khoảng nửa tháng gần đây có ít nhất năm vụ việc được trình báo đến cơ quan công an với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mạng viễn thông.

“Bỗng dưng mắc nợ”

Đang sinh sống ở TP.HCM, chưa một lần ra Hà Nội, chị Khúc Thị Kim Phụng (trú tại quận 10) cho biết ngày 12-11 chị nhận được một cuộc điện thoại đến số máy cố định nhà riêng. Nghe điện thoại thì được một giọng nữ thông báo chị đang nợ 8,93 triệu đồng cước thuê bao của số điện thoại 04.388752... ở địa chỉ phố Tràng Tiền, Hà Nội.

Nếu trong hai ngày chị Phụng không đóng tiền sẽ bị khởi kiện ra tòa. Khi gọi điện, người nói trong điện thoại không thông báo mình ở đơn vị nào và việc chị Phụng nợ tiền cước điện thoại cụ thể ra sao. Ngạc nhiên trước thông tin này, chị Phụng hỏi lại và được hướng dẫn phải bấm tiếp phím số 9 để hỏi chi tiết.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo “đòi nợ qua điện thoại”-image-1384507021188

Hình thức lừa đảo qua điện thoại không mới nhưng vẫn lừa được nhiều người

“Tôi nghe giọng nói bên kia giống như giọng máy nói lại chứ không phải người nói trực tiếp. Giọng nói có nhắc nếu nghe chưa rõ thì nhấn phím 9 để gặp nhân viên hỗ trợ. Tôi liền nhấn ngay để hỏi cho rõ vấn đề. Trước thắc mắc của tôi, giọng nữ bên kia đầu dây hướng dẫn tôi nên gọi báo cảnh sát 113 Hà Nội về sự việc này” - chị Phụng kể.

Tuy nhiên, thay vì để chị Phụng ngắt máy và gọi 113 thì giọng nữ kia nhanh nhảu: “Chị cứ giữ máy em sẽ chuyển cuộc gọi đến cảnh sát 113”. Sau đó chị Phụng gặp một giọng đàn ông xưng là cảnh sát 113 Hà Nội tiếp tục hỏi lại các thông tin cá nhân của chị giống như giọng nhân viên nữ lúc trước. “Sau khi hỏi xong các thông tin, anh công an cho biết sẽ gọi điện thoại lại sau, bảo tôi chờ...”.

Một lãnh đạo PC50 Hà Nội cho rằng nhiều khả năng đây là các cuộc điện thoại lừa đảo do các đối tượng gọi đến để chiếm đoạt tiền. Nếu nạn nhân sẵn sàng chi trả tiền nợ thì sẽ được hướng dẫn chuyển tiền vào một tài khoản nào đó.

Nếu nạn nhân thắc mắc, lập tức bị chúng khai thác thông tin cá nhân, thậm chí cả số tài khoản nhằm phục vụ mục đích đánh cắp tiền. Lãnh đạo này cho rằng thủ đoạn này không phải lần đầu xuất hiện nhưng khá mới mẻ và sẽ có nhiều nạn nhân bị lừa nếu như không phát hiện kịp thời.

Theo ghi nhận, thời gian gần đây có nhiều người dân ở TP.HCM cũng gặp những cuộc gọi “đòi nợ” giống trường hợp chị Phụng.

Nhiều người thậm chí bị mất tiền cước hàng trăm nghìn đồng. Điển hình là trường hợp anh Dũng bị gọi đến thông báo: “Số điện thoại bàn của bạn nợ cước 8 triệu, yêu cầu thanh toán ngay trong vòng hai tiếng, nếu không sẽ bị cắt. Nếu bạn nghe chưa rõ thì nhấn phím số 9 để nghe lại hoặc nhấn phím số 0 để gặp trực tiếp nhân viên hướng dẫn”. Anh Dũng làm theo hướng dẫn, gặp một người lạ hướng dẫn lung tung và đòi đọc số chứng minh nhân dân kiểm tra... Cuối tháng anh Dũng kiểm tra lại thấy tốn mất hơn 300.000 đồng tiền cước.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo “đòi nợ qua điện thoại”-image-1384507065940

Rất nhiều người tự nhiên bị tăng cước điện thoại mà không rõ nguyên nhân

Đại diện Viễn thông TP.HCM xác nhận đúng là có hiện tượng cá nhân mạo danh nhà mạng đi đòi nợ khách hàng. Diễn tiến chung của hiện tượng này là khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định của VNPT tại TP.HCM nhận được các cuộc gọi nhắc nợ cước tự động từ các số như: 0013xxx, 00886xxx, 96111, các số di động (sim rác) hoặc giả mạo số 18001090 với nội dung: “Thuê bao của quý khách đang nợ cước với số tiền 8.xxx.000 đồng. Vui lòng thanh toán ngay trong vòng hai giờ. Nếu không, thuê bao của quý khách sẽ bị khóa. Để biết thêm chi tiết vui lòng bấm phím 9, để gặp tổng đài viên vui lòng bấm phím 0”. Nếu làm theo khách hàng sẽ bị mất tiền cước cuộc gọi đi từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng.

Theo tìm hiểu, khi người dùng nhấn phím 9 hoặc 0 để được hỗ trợ hoặc gặp nhân viên tổng đài như trong thông báo của cuộc gọi cũng chính là lúc kẻ lừa đảo làm “đảo chiều” cuộc gọi. Lúc này người dùng biến thành người thực hiện cuộc gọi nhưng người dùng lại không hay biết. Tùy vào số gọi đến mà cước phí người dùng phải trả có thể lên đến hàng trăm nghìn đồng.

Chẳng hạn, nếu gọi đến đầu số 1900xxxxxx thì mức cước phí cao nhất có thể lên đến 15.000 đồng/phút. Đặc biệt nếu gọi đến đầu số +886xxx (là các số sử dụng dịch vụ điện thoại vệ tinh quốc tế) thì cước phí 90.000-150.000 đồng/phút. Sau đó các đối tượng này sẽ trục lợi từ việc hưởng cước phí do người dùng thực hiện cuộc gọi đi.

Giả bắt cóc người thân

Theo PC50 Công an Hà Nội, trong thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ lừa đảo với thủ đoạn: đối tượng gọi điện từ các số điện thoại thông qua mạng Internet đến số máy cố định của nhà riêng (hoặc cơ quan) thông báo việc bắt cóc thân nhân và phải chuyển tiền ngay cho chúng qua tài khoản ngân hàng, nếu không sẽ xâm hại tính mạng nạn nhân.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo “đòi nợ qua điện thoại”-image-1384507042883

Hình thức lừa đảo mới bằng cách giả bắt cóc người nhà nạn nhân

Cụ thể, đối tượng gọi điện từ các đầu số +313851668, +313850018, +36022... đến một người nào đó, cho nghe tiếng “kêu cứu” giả giọng thân nhân gia đình với nội dung bị bắt cóc. Khi người nhận được điện thoại tin là người thân bị bắt cóc thật thì bọn tội phạm yêu cầu chuyển tiền cho chúng.

Điển hình là 8g20 ngày 5-11, một đối tượng sử dụng điện thoại đầu số +313851668 gọi vào số cố định của ông Trần Phi Việt (trú tại đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội). Đối tượng giả giọng con rể ông Việt vừa nói vừa khóc với nội dung: “Bố ơi, con bị đánh đau quá, con chết mất bố ơi”.

Sau đó, đối tượng này nói cho ông Việt biết con ông nợ 300 triệu đồng, cho ông Việt thời gian 30 phút để chuyển tiền, nếu không sẽ giết con ông Việt. Do ông Việt tưởng con rể mình bị bắt cóc nên đọc số điện thoại di động của mình.

Các đối tượng yêu cầu ông Việt phải để thông máy (nhằm ngăn chặn nạn nhân kiểm tra xem người thân có bị bắt cóc thật không), sau đó sử dụng số điện thoại gọi vào, yêu cầu ông Việt chuyển vào tài khoản của một ngân hàng 40 triệu đồng.

Sau khi chuyển thành công lần thứ nhất, các đối tượng yêu cầu ông Việt chuyển tiếp 60 triệu đồng. Đến lần thứ ba, các đối tượng yêu cầu chuyển thêm 50 triệu đồng. Nhận được tiền, các đối tượng bỏ máy. Lo cho con không biết được thả chưa, ông Việt gọi điện vào số máy của con rể thì biết không nợ tiền ai và không bị bắt giữ.

Tương tự, 10g ngày 28-10, một đối tượng gọi từ số +313850018 đến số di động của ông Nguyễn Văn Khang (trú tại Nghĩa Tân, Hà Nội), thông báo đã bắt giữ con ông Khang vì con trai ông nợ đối tượng này 120 triệu đồng.

Sau đó có một đối tượng giả giọng con trai ông Khang vừa khóc vừa nói: “Bố ơi con bị nạn rồi, chúng nó đánh con”. Do tưởng con mình bị bắt nên ông Khang thỏa thuận chi 50 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, ông Khang điện thoại cho con trai mới biết con trai không bị bắt cóc.

Cảnh giác chiêu trò lừa đảo “đòi nợ qua điện thoại”-image-1384507056039

Đói phó với thể loại lừa đảo này chúng ta không nên tiếp chuyện, hãy phản ứng thẳng

Khuyến cáo của VNPT TP.HCM:

Đại diện VNPT TP.HCM cho biết qua kiểm tra đã phát hiện đa số cuộc gọi lừa đảo liên quan đến nợ cước điện thoại đều xuất phát từ nước ngoài, kết nối VoIP (gọi điện qua giao thức Internet) hoặc từ sim rác nhằm lừa khách hàng gọi lại vào đầu số 1900xxxxxx để trục lợi: “Đây là hành động lừa đảo của kẻ gian, gây tâm lý bất an cho người sử dụng dịch vụ viễn thông và kiếm tiền bất chính từ khách hàng, đồng thời làm giảm uy tín thương hiệu VNPT. Hiện VNPT TP.HCM đang phối hợp cùng cơ quan an ninh tìm biện pháp ngăn chặn và xử lý các trường hợp mạo danh trên”.

VNPT TP.HCM còn khuyến cáo người dùng đang sử dụng dịch vụ viễn thông của VNPT TP.HCM nếu nhận được cuộc gọi tương tự nội dung trên có thể báo ngay đến tổng đài chăm sóc khách hàng (08)800126 để VNPT TP.HCM có biện pháp kịp thời ngăn chặn các thiệt hại.

 Mời bạn đọc thêm: Dân mạng cảnh giác cao độ trước trò lừa đảo tặng 200% thẻ nạp điện thoại

Công Thành (Theo tto)