Thủ thuật công nghệ

Cách xử lý khi smartphone Android bắt đầu chạy chậm lại

Cách xử lý khi smartphone Android bắt đầu chạy chậm lại

Về cơ bản, tất cả các thiết bị sử dụng nền tảng Android đều sẽ trở nên chậm chạp, ì ạch hơn so với khi mới mua về. Điều này thực tế là "chuyện thường ngày ở huyện", vì các dữ liệu rác hàng ngày tích tụ lại bên trong bộ nhớ sẽ làm cho máy xử lý thông tin chậm dần đi. Vấn đề này tất nhiên sẽ xuất hiện thường xuyên và thấy rõ hơn trên các thiết bị tầm trung và giá rẻ với cấu hình phần cứng thấp.

Một khi đã xác định được nguyên nhân, chúng ta sẽ dễ dàng tìm được cách khắc phục, và dưới đây chính là 5 phương pháp từ đơn giản đến nâng cao để đưa máy trở về trang thái mượt mà gần như lúc vừa mới mua.

Xóa bớt ứng dụng thừa thãi

Đôi khi người dùng không quan tâm lắm đến thiết bị, tải nhiều ứng dụng về mà không sử dụng. Điều này dễ làm máy chậm lại vì các ứng dụng thường sẽ tự động chạy ngầm, tiêu tốn tài nguyên máy một cách lãng phí.

Để xóa bớt các ứng dụng như thế này, bạn chỉ cần truy cập Cài Đặt > Ứng dụng > Tìm tới các ứng dụng cần xóa và bấm Gỡ cài đặt.

Với một số ứng dụng rác cài đặt sẵn mà không thể xóa được, bạn cũng có thể bấm Vô hiệu hóa để không cho chúng tự động chạy ngầm nữa.

Gỡ bớt Home Screen, Tiện ích không dùng tới

Nhiều người hay có thói quen đặt rất nhiều biểu tượng, widget (thanh tiện ích) và trang màn hình chính dù chẳng bao giờ đụng tới. Điều này thực ra lại vô tình khiến máy phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến không còn đủ "sức" để chạy một cách mượt mà, ổn định.

 

Để gỡ bỏ những thành phần không dùng tới, bạn chỉ cần bấm giữ vào nó và kéo vào ô Xóa/Ẩn hiện trên màn hình, hoặc bấm giữ một khoảng trống của Homescreen để xem thêm các lựa chọn khác. Tính năng này sẽ hoạt động khác nhau tùy theo từng nhà sản xuất và giao diện Launcher mà bạn sử dụng nên hãy tìm hiểu kĩ một chút nhé.

Tắt hiệu ứng động của Android

Các hiệu ứng động/hiệu ứng hoạt họa của Android khiến các thao tác của máy trở nên mượt mà, sống động hơn, nhưng nếu bạn đang sử dụng một chiếc smartphone cấu hình thấp thì tốt nhất hãy tắt nó đi để giảm bớt gánh nặng lên bộ xử lý.

 

Đầu tiên, bạn cần truy cập vào Cài đặt > Thông tin Thiết bị > Bấm thật nhiều lần vào ô Số phiên bản cho tới khi thông báo "Xin chúc mừng. Bạn đã là nhà phát triển." hiện lên. Lúc này, hãy thoát ra trang menu Cài đặt và truy cập > Tùy chọn nhà phát triển. Bạn sau đó cần kéo xuống phía dưới, tìm các mục Tỉ lệ hình động của cửa sổ, Tỉ lệ hình động chuyển đổi và T. lệ th.lượng tr.tạo h.đ và chọn Tắt hình động ở cả ba mục đó.

Cập nhật lên phần mềm mới nhất

 

Dù đôi khi có gây thêm một số lỗi vặt, việc nâng cấp lên các phiên bản Android mới hơn từ nhà sản xuất thường giúp máy hoạt động ổn định hơn trước. Vậy nên, cứ mỗi khi thấy có thông báo cập nhật mới thì hãy nhanh chóng thực hiện, hoặc truy cập vào Cài đặt > Thông tin thiết bị > Cập nhật phần mềm và kiểm tra xem máy của bạn có sẵn bản cập nhật nào mới không nhé.

Chạy lại phần mềm gốc

Trong bất kì smartphone nào cũng có sẵn mục Cài đặt lại phần mềm, giúp đưa máy về trạng thái như khi xuất xưởng, xóa bỏ tất cả dữ liệu như ảnh, video, ứng dụng, thông tin người dùng trong quá trình sử dụng. Điều này sẽ giúp máy hoạt động mượt mà gần như khi vừa mua về.

 

Ở mức độ nâng cao hơn, người dùng có thể sử dụng các công cụ flash firmware trên PC. Thường thì các nhà sản xuất sẽ cung cấp công cụ này cho người dùng thông qua website chính thức, nhưng để thực hiện thì cần có nhiều kiến thức và kinh nghiệm để tránh lỗi xảy ra.

Hãy lưu ý rằng, trước khi thực hiện chạy lại phần mềm, bạn nên sao lưu dữ liệu lên máy tính thông qua các công cụ từ nhà sản xuất hoặc các ứng dụng như Titanium Back Up.

Trên đây chính là 5 trong số những phương pháp phổ biến, dễ thực hiện nhất để giúp chiếc điện thoại Android của bạn mượt mà trở lại. Trong trường hợp đã thử mọi cách mà máy vẫn còn ì ạch thì việc duy nhất bạn cần làm có lẽ là... mua một chiếc máy đời mới hơn thôi.