Cộng đồng mạng

Bức xúc trước nạn "bôi nhọ" nhau trên Facebook

Bức xúc trước nạn

Facebook giờ đây đã bị "lạm dụng" và biến thành một công cụ để "đấu võ mồm" cực tiện lợi của giới trẻ.



Mạng xã hội Facebook ngày càng phổ biến và gần gũi với teen Việt. Nhưng càng gần gũi bao nhiêu, quen sử dụng bao nhiêu thì teen lạm dụng bấy nhiêu. Từ một mạng cộng đồng chia sẻ, một số teen biến nó thành nơi để bới móc, nói xấu, bêu rếu lẫn nhau.

Facebook đang bị "lạm dụng" vào những tính năng không tốt?

"Dìm hàng" tập thể bằng Facebook

Nếu ngày trước, blog là nơi để teen có thể trình bày, chia sẻ và lưu lại những cảm xúc của mình, thì ngày nay, vị trí đó đang dần bị Facebook lấn chiếm. Các bạn trẻ ngày càng sử dụng Facebook như một phần không thể thiếu. Nhiều bạn còn hùng hồn tuyên bố: “Ngày nào không vào Facebook thì cảm thấy khó chịu. Chắc phải “cai nghiện” Facebook". Cũng bởi tầm phủ sóng của Facebook mạnh đến vậy mà càng ngày những thông tin trên mạng xã hội này càng tràn lan.

Tranh cãi và "dìm hàng" nhau trên Facebook đã thành trào lưu

Một số teen sử dụng Facebook như một công cụ chia sẻ hữu dụng vì nó có khả năng “tag” những người bạn khác. Một cái note khi vừa “post” lên có cả trăm, thậm chí cả ngàn lượt "click" vào xem. Có lẽ cũng bởi thế mà càng ngày xuất hiện càng nhiều những dòng note… phẫn uất của teen "tag" rất nhiều người để mong sự chia sẻ.

Trường hợp cô nàng nick name Mimi, 18 tuổi là một ví dụ. Ngoài đời, Mimi là người rất ít nói. Mimi khá đằm thắm trong cách nói chuyện. Thậm chí nhiều người còn bảo cô bạn hiền đến độ: “Có ai đứng trước mặt chửi Mimi thì cô nàng cũng chỉ lặng im”. Thế nên nhiều bạn bè của Mimi đã hết sức bất ngờ và sốc trước những cái note vừa văng thề, chửi tục, thậm chí “nguyền rủa” những người mà đụng đến cô bạn trên Facebook.

Không trực tiếp cãi vã đôi co, hay lặng thầm về ghi dưới hình thức nhật kí như trước, ngày nay nhiều teen dùng Facebook để chửi thẳng mặt và còn công khai “tag” nhiều người vào note để thông tin lan truyền ngày một nhanh. Một cái “note” của teen có thể tag đến vài chục người. Đó cũng là cách “hạ bệ” đối thủ, khiến những tin tức xấu cập nhật đến bạn bè theo "vận tốc ánh sáng" và nhận được nhiều lời bình luận từ người khác.

Câu chuyện không lành mạnh chút nào cũng được đưa lên thảo luận trên Facebook

Giả mạo người khác để bêu xấu

Không chính thức, cũng chẳng công khai để người khác biết mình là chủ nhân những note nói xấu, nhiều teen tạo Facebook giả. Thời gian đầu bùng phát thì chỉ có những hotgirl, hotboy là nạn nhân chính của hình thức giả mạo này.

Nhưng thời gian gần đây thì chẳng ai là ngoại lệ. Chỉ cần không ưa nhau là nhiều teen sẵn sàng làm một tài khoản giả chĩa hướng nhắm thẳng người mình ghét.

Chủ nhân những trang cá nhân như vậy thường đầu tư khá nhiều công sức để thu thập hình ảnh, thông tin cá nhân, gia đình… để tấn công từ nhiều phía. Khỏi phải nói cũng biết lời lẽ trong những trang cá nhân vậy chẳng dễ chịu chút nào. Nếu không phải là những lời chửi thề thô tục thì cũng lại là những kiểu nói móc chẳng ai muốn nghe.

Những câu chuyện làm "ô uế" môi trường mạng xã hội Facebook

Chưa dừng lại ở đó, nhiều teen còn sẵn sàng đưa cả hình ảnh tên tuổi của mình vào chửi chung (nếu Facebook ấy nhắm đến một nhóm bạn). Mục đích chẳng gì khác là để không ai nghi ngờ mình. Thậm chí, một số bạn thực hiện theo chiến lược “vừa viết vừa la làng”. Nghĩa là một mặt thì viết lách chửi bới lăng mạ, mặt khác thì lại tỏ ra tội nghiệp bạn bè.

Cô bạn tên Thùy Dương, 16 tuổi đã từng giở khóc giở cười khi có người mạo danh Facebook đi bêu xấu mình. Thùy Dương đã phải tốn biết bao công sức, tiền điện thoại, thời gian để bào chữa, giải thích với bạn bè. Chưa kịp bình tĩnh, khi cô bạn phát hiện ra người làm trang cá nhân giả chính là một người bạn chơi chung nhóm. Bởi chỉ có những người thân cận mới biết những chi tiết “chẳng phải ai cũng được biết như vậy”.

Nhiều teen sau khi biết chuyện thì lập tức “xung đột”, thậm chí đụng tay, đụng chân là chuyện thường. Những teen gia cảnh khá giả khi rơi vào những trường hợp thế này chẳng tiếc tiền để thuê cả thám tử tìm hiểu. Tệ hơn, một số còn thuê cả xã hội đen giải quyết.

Tất nhiên, chẳng phải ai cũng may mắn và có thể tìm được người lăng mạ mình như Thùy Dương. Nhiều teen khi gặp hoàn cảnh này chỉ còn biết “cắn răng mà chịu”. Nhất là các hot teen, ca sĩ, diễn viên thì chuyện có vài, thậm chí vài chục facebook sử dụng hình ảnh mình giả mạo cũng là bình thường.

Cần hạn chế ngay

Những bình luận khiến người đọc "đỏ mặt"

Để làm được những trang cá nhân giả và ghi những cái note “khủng bố” như vậy, teen phải tốn khá nhiều thời gian và công sức. Ôm những chuyện chẳng hay ho gì vào người, sẽ biến teen ngày một trở nên “xấu xa, tối tăm, u ám”. Nếu có bất kì xích mích hay không vừa lòng, tại sao các teen không thẳng thắn nói chuyện với nhau mà lại phải “ném đá giấu tay” như vậy?

Chưa biết ai đúng ai sai, nhưng nếu giới trẻ làm như vậy thì cũng đã không "quân tử" rồi. Chưa kể đến chuyện nếu chẳng may bị phát hiện thì đúng là “không ngóc đầu lên nhìn ai được”, lại đủ thứ xích mích.

Facebook là một mạng cộng đồng mạng được thành lập với mục đích chia sẻ lẫn nhau, đừng biến nó thành nơi để chửi rủa, cãi vã, chẳng hay chút nào đâu. Các bạn nên nhớ: Bớt đi một kẻ thù cũng chính là có thêm một người bạn!”