Khởi nghiệp

4 lí do startup của bạn không có khách hàng

4 lí do startup của bạn không có khách hàng

Sản phẩm chưa phù hợp với nhu cầu thị trường 

Trong kinh doanh, sản phẩm chính là yếu tố cốt lõi của doanh nghiệp để kết nối với khách hàng. Chính vì vậy, ngay từ khi nhen nhóm ý tưởng kinh doanh, bạn cần định hình sản phẩm của mình để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Thông thường, muốn có một sản phẩm hoàn chỉnh, bạn cần trải qua các công đoạn: Định hình sản phẩm, nghiên cứu dung lượng thị trường, phát triển sản phẩm, thiết kế bao bì, thử nghiệm, nhận phản hồi và đánh giá, nghiên cứu và thay đổi, tung sản phẩm chính thức. Cho dù là thử nghiệm hay chính thức, bạn cũng cần đảm bảo sản phẩm đáp ứng được những tiêu chí nhất định khi có mặt trên thị trường.

 Nếu như bạn tung ra những sản phẩm lỗi, chưa được kiểm tra chất lượng kỹ càng thì sẽ nhanh chóng khiến khách hàng chán ngán. Khi khách hàng có phản ứng tiêu cực hoặc không tốt, họ sẽ nhanh chóng truyền miệng đến bạn bè người thân, hoặc thậm chí phản hồi ngay trên các kênh truyền thông của doanh nghiệp. Điều này không chỉ khiến bạn mất đi khách hàng ngay từ thời điểm khởi đầu mà tệ hơn, có thể doanh nghiệp sẽ gặp rủi ro nào đó.

Hãy luôn thận trọng trong khâu phát triển sản phẩm bởi đây chính là yếu tố đầu tiên và quan trọng thu hút khách hàng, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Tốt nhất, hãy tham khảo ý kiến từ các chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn trong quá trình phát triển và hoàn thiện sản phẩm. Điều này sẽ giúp bạn giảm thiểu rủi ro không bán được hàng trong quá trình tiếp theo.

Xác định sai khách hàng mục tiêu

Khách hàng là nguồn sống của doanh nghiệp. Nếu như bạn không thể tìm ra đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, không thấu hiểu được nhu cầu và mong muốn của họ, rất khó để bạn tạo ra sản phẩm, dịch vụ phù hợp và thu hút sự quan tâm từ khách hàng. Từ đó, việc kinh doanh cũng sẽ sớm thất bại.

Điều khách hàng thực sự mong muốn ở sản phẩm của bạn là gì? Những sản phẩm hiện tại đáp ứng được bao nhiêu phần trăm mong muốn đó? Và sản phẩm của bạn sẽ giải quyết được vấn đề nào họ đang gặp phải? Những câu hỏi này là để bạn xác định được đối tượng khách hàng chính sẽ đóng góp vào sự thành công trong việc bán hàng của bạn.

 Bạn hoàn toàn có thể có được những thông tin này qua việc nghiên cứu thị trường. Khi đã phác thảo được chân dung khách hàng của mình và thấu hiểu được tâm lý họ, bạn hoàn toàn có thể tạo nên những sản phẩm phù hợp, thu hút và giữ chân khách hàng để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp của bạn.

Lựa chọn sai phương thức Marketing

Hoạch định và đưa ra một chiến lược marketing phù hợp để tiếp thị sản phẩm giống như việc mở đúng cánh cửa thần kỳ dẫn tới kho báu. Nếu như marketing truyền thống đề cao triết lý “hữu xạ tự nhiên hương”, có sản phẩm tốt, dịch vụ tốt khách hàng sẽ tự tìm đến, thì trong thời kỳ công nghệ 4.0 hiện nay, điều này không còn phù hợp. Thay vào đó, bạn phải tìm cho mình những phương thức tiếp thị mới để có thể tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu, khách hàng tiềm năng và biến họ trở thành người mua hàng trung thành.  

Chẳng hạn, nếu đối tượng mua hàng của bạn thuộc lứa tuổi trung niên - có độ tuổi từ 45 trở lên, đừng chọn phương thức marketing chủ yếu là phương tiện truyền thông xã hội và kênh mua online. Bởi người trung niên không phải là đối tượng sử dụng mạng xã hội thường xuyên, họ cũng không có thói quen mua hàng online như giới trẻ.

Ngược lại, họ là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi quảng cáo trên truyền hình và thường ưu tiên chọn mua hàng trực tiếp tại siêu thị hoặc các cửa hàng bán lẻ. Vậy nên, điều bạn cần thay đổi ở đây chính là kênh tiếp thị.

Dịch vụ chăm sóc khách hàng yếu kém

Trải nghiệm mua hàng sẽ quyết định khách hàng của bạn có quay trở lại hay không. Vậy nên, nếu dịch vụ chăm sóc khách hàng yếu kém, doanh nghiệp sẽ không thể thu hút khách hàng mới thông qua truyền miệng và cả marketing trực tuyến.

Câu nói “khách hàng là thượng đế” vẫn đúng trong thời đại ngày nay. Khi khách hàng có vô vàn lựa chọn về sản phẩm và nhà cung cấp, thì điều họ ưu tiên nhất ngoài chất lượng sản phẩm chính là cảm giác được phục vụ tận tình và chu đáo. Vậy nên, nếu như cách quản lý nhân sự không hiệu quả, dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn không xuất sắc, ví dụ như nhân viên giao tiếp kém, không tôn trọng khách hàng, thiếu kiến thức chuyên môn…, khách hàng sẽ không hài lòng và có thể bỏ bạn đi bất cứ lúc nào.

Tóm lại, sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp một phần lớn phụ thuộc vào việc chăm sóc khách hàng, vì vậy đầu tư cho dịch vụ này nên là một trong những ưu tiên hàng đầu mà startup của bạn cần thực hiện.

Huyền Nguyễn

 

BKAV khai trương Bstore – Trung tâm dịch vụ khách hàng: Nhộn nhịp khách thăm quan

(Techz.vn) Sáng nay, Tập đoàn công nghệ BKAV chính thức ra mắt Tổ hợp Dịch vụ Khách hàng Bphone Store tại số 88B Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.