Nhịp sống số

2/3 thiết bị điện tử sẽ được gắn thêm sim di động

2/3 thiết bị điện tử sẽ được gắn thêm sim di động
ICTnews - Ông Hans Vestberg, Chủ tịch tập đoàn Ericsson cho rằng tiềm năng băng rộng của Việt Nam rất lớn và sẽ tạo ra một Xã hội kết nối. Sự kết nối không chỉ dừng lại ở điện thoại cá nhân mà kết nối giữa các thiết bị với nhau như máy phát điện, nồi cơm điện... cũng sẽ được gắn sim.01/09/2011 02:00:06 PM
Hans-Vestberg-5.jpg
Ông Hans Vestberg, Chủ tịch tập đoàn Ericsson.

ICTnews vừa có cuộc phỏng vấn ông Hans Vestberg, Chủ tịch tập đoàn Ericsson xung quanh vấn đề phát triển băng rộng di động. 

<>Hiện Việt Nam sau hai năm triển khai 3G cũng đã có một số lượng khách hàng nhất định sử dụng và 3G ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, nhà mạng còn lo ngại rằng đầu tư cho 3G vẫn có thể là "cái bẫy" khi đầu tư lớn mà thu hồi vốn chậm. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Khi nhìn dài hạn trong vấn đề này, chúng ta sẽ thấy rằng đây mới là giai đoạn 3G bắt đầu phát triển khi xuất hiện ngày càng nhiều thiết bị dùng 3G giá hợp lý. Sự phổ biến của thiết bị cùng mức chi phí hợp lý sẽ đẩy nhanh sự phổ cập của 3G. Sự hình thành công nghệ và thực sự công nghệ đi vào cuộc sống là một quá trình. Ví dụ như Ericsson đã phát minh ra GSM năm 1991 nhưng phải đến năm 2008 thì GSM mới phát triển mạnh nhất và bán được nhiều nhất. Hay một ví dụ khác về chính 3G: 3G xuất hiện đầu tiên vào năm 2001 nhưng phải đến năm 2009 doanh thu của Ericsson từ 3G mới vượt doanh thu từ 2G.

Với 4G, giờ đây chúng ta bắt đầu đề cập. Cần thời gian để 4G đạt được quy mô kinh tế bên vững vì hiện tại điện thoại 4G còn quá hiếm.

Tại Việt Nam, quá trình này mới bắt đầu, biểu hiện là sự hiện diện ngày càng nhiều hơn của các loại điện thoại 3G. Vì thế trong tương lai khi đạt được mức độ phổ cập hơn, 3G sẽ đạt được mức độ phát triển mạnh. Ở Việt Nam, tỉ lệ sử dụng máy tính cá nhân truy cập 3G chưa cao nên 3G có sự khởi động chậm. Ericsson dự đoán lưu lượng dữ liệu ở Việt Nam có mức tăng trên 100%/năm, vì vậy khi có các điện thoại smartphone giá rẻ 3G sẽ phát huy hết giá trị và lợi ích cho mọi đối tượng. Các nhà mạng khi đã đầu tư 3G, sẽ cần thu được lợi nhuận từ khoản đầu tư đó thay vì ngay lập tức đầu tư vào 4G.

<>Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho 4G, theo ông thời điểm nào thì cần chuyển sang 4G?

Tại Việt Nam, 3G ở giai đoạn bắt đầu. Trên thế giới, chúng tôi đã từng dự kiến tốc độ của băng rộng di động sẽ là khoảng 14,4 Mbps. Nhưng bây giờ, mạng 3G đã đạt được đến tốc độ 84Mbps và điều đó cho thấy 3G còn quá nhiều tiềm năng, thậm chí có thể đạt đến tốc độ 168 Mbps. Ở Việt Nam, đầu tư cho độ phủ sóng đã sẵn sàng và trong vòng thời gian tới sẽ là giai đoạn sử dụng công suất của mạng 3G để phát triển băng rộng di động tại Việt Nam.

<>Ở Việt Nam hiện giờ doanh thu từ dữ liệu chỉ chiếm khoảng 5 - 10%. Vậy Ericsson có ý tưởng nào để tăng mức doanh thu này?

Một hướng đi đúng đắn là đầu tư vùng phủ sóng, sau đó có thiết bị phổ biến để sử dụng. Và kế tiếp sẽ là bước cần thiết khi các nhà mạng phân khúc thị trường và khách hàng của họ. Nhiều nhà mạng trên thế giới có sáng kiến rất hay, ví dụ như Indonesia. Tại quốc gia này, có dịch vụ trả trước cho băng rộng di động chỉ phải trả 1 đô la/ngày và có thể sử dụng một số ứng dụng nhất định, ví dụ như tại thị trường Indonesia, người sử dụng rất ưa chuộng Facebook.

Tại thị trường phát triển như Mỹ, quốc gia có mặt nhiều nhà sản xuất thiết bị và Internet đang tạo ra những cách thức sáng tạo với băng rộng di động. Ericsson có thị phần hàng đầu trên thị trường Bắc Mỹ, điều đó giúp cho Ericsson có kinh nghiệm trong việc đánh giá, vận hành các mạng có khả năng phải đáp ứng nhu cầu sử dụng của hàng trăm triệu smartphone cùng một lúc. Ericsson đầu tư 3 tỉ Euro hàng năm vào lĩnh vực R&D. Đây chính là kinh nghiệm rất lớn của Ericsson trong việc làm thế nào để đảm bảo mạng vận hành hiệu quả với lưu lượng sử dụng dữ liệu rất lớn như vậy. Theo tính toán, 3% người dùng smartphone có thể sử dụng đến 40% dung lượng của mạng.

<>Hiện nay xu hướng các nhà cung cấp thiết bị như Ericsson chẳng hạn không còn đơn thuần chỉ cung cấp các thiết bị viễn thông mà còn gia tăng cung cấp các dịch vụ khác như vận hành mạng, liên kết với một bên thứ 3 để cung cấp các dịch vụ kết nối như trường hợp Ericsson hợp tác với một bệnh viện của Việt Nam. Điều này có tác động đến các nhà mạng hay không?

Trong xu thế Xã hội kết nối, mọi thành phần đều hưởng lợi và cơ hội của các nhà mạng là rất lớn. Nhà mạng sẽ có thêm những nguồn doanh thu mới khi hợp tác với lĩnh vực khác như giao thông, vận tải, y tế, dịch vụ công cộng vì công nghệ sẽ ngày càng đóng vai trò tác động rất lớn khi có thể cung cấp cho các ngành đó khả năng kết nối và băng rộng. Ví dụ như dịch vụ Y tế từ xa, chi phí sẽ được sử dụng rất hiệu quả với sự hỗ trợ của Kết nối và Băng rộng và Điện toán đám mây.

Với xu thế Xã hội kết nối, nhà mạng còn có cơ hội góp phần vào nỗ lực giảm khí thải và hiệu ứng nhà kính khi cung cấp giải pháp cho các ngành khác. Theo nghiên cứu SMART 2020, ngành công nghệ thông tin-viễn thông tạo ra 2% lượng khí thải CO2 nhưng có thể tác động vào các ngành khác để giảm lượng khí thải mà các ngành đó tạo ra. Và mục tiêu đặt ra là giảm khoảng 15-20% tính tới năm 2020, tương đương với tiết kiệm năng lượng 600 tỉ Euro. Bản thân Ericsson trong quá trình sản xuất trạm phát sóng, chúng tôi thiết kế để giảm 50% lượng năng lượng tiêu thụ để nhà mạng có thêm lợi thế cạnh tranh.

<>Ông có đưa ra thông tin dự kiến năm 2015 – 2016 sẽ có khoảng 5 tỉ người truy cập băng rộng di động, tương đương với số lượng người truy cập Internet sẽ gấp 5 lần hiện giờ. Khi ấy mỗi người đều có thể truy cập di động và băng rộng. Quá trình chuyển đổi này sẽ tạo ra 50 tỉ kết nối với Xã hội kết nối “Networked Society” vào năm 2020. Vậy 50 tỉ kết nối vào năm 2020 có thể hình dung đơn giản là như thế nào?

Sự kết nối khi ấy không chỉ dừng lại ở điện thoại cá nhân mà là sự kết nối giữa các loại thiết bị với nhau. Ericsson dự kiến tới năm 2015, 2/3 các thiết bị điện tử sẽ được gắn thêm thiết bị kết nối với di động, ví dụ như máy phát điện, nồi cơm điện. Điều này tạo nên ảnh hưởng cụ thể là mức độ giảm khí thải CO2. Hình dung nếu thiết bị có thể kết nối di động được gắn vào máy giặt khô thì chúng ta có thể kiểm soát được năng lượng tiêu thụ, lượng khí thải CO2. Và điều đó có ý nghĩa về xã hội, kinh tế và tiêu dùng.

<>Cảm ơn ông!

Mai Lan

(Thực hiện)